Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 08/05/2025 10:43
Tin nóng:
Đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với Algeria Doanh nghiệp lớn muốn đi xa phải có doanh nghiệp vệ tinh Bộ Công Thương đồng hành cùng doanh nghiệp tận dụng cơ hội thị trường |
Đó là khuyến nghị đối với doanh nghiệp Việt Nam của ông Nông Đức Lai - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc - tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại tháng 2/2025, do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức, sáng 4/3.
Áp lực từ thay đổi chính sách của Trung Quốc
Thông tin về tình hình thương mại, cũng như cập nhật những chính sách mới của Trung Quốc đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam tại hội nghị, ông Nông Đức Lai cho biết: Năm 2025 kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi xung đột địa chính trị, chủ nghĩa bảo hộ, cuộc đua về công nghệ giữa các nước lớn,... ngày càng gia tăng.
![]() |
Ông Nông Đức Lai - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc - tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại tháng 2/2025. |
Nền kinh tế Trung Quốc năm vừa qua mặc dù đạt được những thành tựu quan trọng, tăng trưởng GDP đạt 5%; tổng giá trị bán lẻ tiêu dùng và dịch vụ tăng 3,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng 5,9% (tính theo USD), thặng dư thương mại đạt xấp xỉ 1.000 tỷ USD... Tuy nhiên, khủng hoảng ngành bất động sản chưa có lối thoát; nợ công của các địa phương vẫn ở mức cao; nhu cầu tiêu dùng trong nước yếu; tỷ lệ già hóa dân số tăng nhanh và tỷ lệ sinh thấp... tiếp tục là những khó khăn, thách thức đối với kinh tế Trung Quốc trong năm 2025.
Xung đột giữa các nước lớn sẽ không tránh khỏi tác động đến các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam với mức độ và trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Tương tự, những thay đổi chính sách của Trung Quốc cũng tạo nên thách thức lẫn cơ hội đối với Việt Nam khi nước này vừa là đối tác thương mại lớn vừa là láng giềng của chúng ta.
Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và nguồn cung hàng hóa, đặc biệt nguyên liệu sản xuất lớn nhất của Việt Nam. Vì vậy, mỗi động thái của nền kinh tế và chính sách liên quan của Trung Quốc đều có ảnh hưởng, tác động một cách nhanh hay chậm với mức độ ít hay nhiều đối với Việt Nam.
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc dẫn giải, nhìn lại chính sách phòng chống dịch Covid-19 của Trung Quốc những năm gần đây có thể thấy là minh chứng rõ nét về những tác động của nó đối với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ du lịch, hoạt động giao thương và nhiều ngành sản xuất của Việt Nam.
"Hiện nay, Trung Quốc và Hoa Kỳ đều là đối tác thương mại lớn, là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn, quan trọng nhất của Việt Nam. Do đó, cạnh tranh Mỹ - Trung cùng các chính sách thương mại giữa hai nước đều tác động đến thương mại nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung cả tích cực và tiêu cực", ông Nông Đức Lai nhận định.
Cũng theo ông Lai, một mặt, chính sách từ các nước lớn mang lại những tác động tích cực đến doanh nghiệp Việt. Đơn cử như Việt Nam sẽ đón nhận làn sóng đầu tư từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp Trung Quốc và quốc tế đã tìm cách đa dạng hóa sản xuất để tránh thuế quan từ Mỹ, dẫn đến việc mở rộng đầu tư vào các quốc gia như Việt Nam. Điều này gián tiếp thúc đẩy Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn nhờ chi phí lao động cạnh tranh và vị trí địa lý thuận lợi.
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt sẽ có cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất, thu hút đầu tư nước ngoài mở ra cơ hội cho Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất phụ trợ, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp nhẹ.
![]() |
Việt Nam có nhiều cơ hội và thách thức đan xen trong bối cảnh biến động thương mại toàn cầu. Ảnh minh hoạ |
Bên cạnh đó, Việt Nam được hưởng lợi từ việc Mỹ giảm nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may, điện tử, và máy móc. Tuy nhiên, điều này cũng khiến Việt Nam đối mặt với nguy cơ bị Mỹ điều tra chống bán phá giá. Đây cũng là cơ hội và động lực để Việt Nam thúc đẩy ba đột phá chiến lược (cải thiện cơ sở hạ tầng, minh bạch hóa thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực).
"Trước những tác động từ chính sách thương mại của Mỹ, Trung Quốc sẽ tiếp tục thả đồng Nhân dân tệ mất giá so với USD để thúc đẩy xuất khẩu, như vậy, áp lực hàng hóa Trung Quốc đối với Việt Nam sẽ càng lớn hơn" - ông Lai nêu.
Doanh nghiệp cần chủ động ứng phó, phản ứng kịp thời với thị trường
Trước bối cảnh kinh tế nhiều biến động này, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc đã đưa ra những khuyến nghị chiến lược quan trọng cho doanh nghiệp và nhà đầu tư Việt Nam.
Thứ nhất, tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến, động thái chính sách của các đối tác lớn (Mỹ, Trung Quốc) có thể tác động đến Việt Nam. Qua đó đánh giá đưa ra dự báo và có chính sách ứng phó kịp thời, hiệu quả; theo dõi, cập nhật thông tin thị trường và diễn biến các chính sách của Trung Quốc đang triển khai thực thi cũng như nắm bắt thông tin chính sách mới của nước này để có biện pháp ứng phó, phòng vệ, phản ứng kịp thời với thị trường, chính sách của đối tác. Xây dựng kế hoạch dự phòng cho các kịch bản như tăng thuế quan hoặc gián đoạn chuỗi cung ứng.
Thứ hai, đa dạng hóa thị trường và đối tác: mở rộng xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường truyền thống ASEAN, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, khai thác tiềm năng thị trường Trung Đông, Châu Phi thay vì chỉ tập trung, phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tận dụng các hiệp định thương mại tự do (EVFTA, CPTPP) để giảm phụ thuộc vào một thị trường.
Thứ ba, nâng cao năng lực cạnh tranh: đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật và công tác quản lý. Chủ động tuân thủ các quy định về môi trường và lao động để tránh rào cản thương mại.
Song song với đó, doanh nghiệp Việt cũng cần nâng cao năng lực sản xuất như đầu tư vào tự động hóa để giảm lao động thủ công, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; áp dụng công nghệ blockchain để truy xuất nguồn gốc hàng hóa nhất là nông sản, giải quyết vấn đề mã số vùng trồng...
Bên cạnh những thuận lợi, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cũng chỉ ra ba tác động tiêu cực, ảnh hưởng tới doanh nghiệp Việt trong bối cảnh biến đổi thương mại toàn cầu. Trong đó, một trong những thách thức lớn nhất là sự cạnh tranh gay gắt từ hàng hóa Trung Quốc. Cụ thể, khi hàng hóa Trung Quốc bị hạn chế xuất khẩu sang thị trường Mỹ, buộc doanh nghiệp tìm cách xuất khẩu sang các thị trường khác trong đó có Việt Nam, gây sức ép cạnh tranh với hàng hóa sản xuất trong nước của ta, đồng thời, hàng hóa Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc tại thị trường này do dư thừa vì hạn chế xuất khẩu. |