14:03 | 02/03/2025
Xuất khẩu cao su đặt mục tiêu 11 tỷ USD năm 2025 Cao su Việt Nam còn nhiều triển vọng thị phần tại Mỹ Tháng 1/2025, giá cao su xuất khẩu của Việt Nam tăng 32% |
Giá nhập khẩu cao su từ Việt Nam tăng mạnh nhất
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, trong năm 2024, Liên minh châu Âu (EU) đã nhập khẩu tổng cộng 2,3 triệu tấn cao su các loại từ thị trường ngoại khối, với trị giá 4,97 tỷ EUR (tương đương 5,18 tỷ USD), tăng 10,3% về lượng và tăng 13,2% về trị giá so với năm 2023.
![]() |
EU tăng nhập khẩu cao su từ thị trường Việt Nam |
Trước đó, nhập khẩu cao su của thị trường EU có xu hướng tăng trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2022, nhưng suy giảm vào năm 2023 do ảnh hưởng bởi tăng trưởng kinh tế trì trệ và lạm phát tăng cao tại khu vực.
Trong năm 2024, Bờ Biển Ngà đã vượt qua Thái Lan để trở thành nguồn cung cao su lớn nhất cho EU với khối lượng đạt 380.116 tấn, trị giá 640,63 triệu EUR (667,8 triệu USD), tăng 38,1% về lượng và tăng 60,2% về trị giá so với năm 2023, chiếm 16,4% tổng nhập khẩu cao su vào EU từ thị trường ngoại khối.
Theo sau là Thái Lan và Indonesia, với khối lượng đạt lần lượt 333.134 tấn (tăng 17,9% so với năm 2023) và 234.181 tấn (giảm 5,8% so với năm 2023). Ngoài ra, EU cũng tăng nhập khẩu cao su từ những thị trường cung cấp cao su hàng đầu khác như Hoa Kỳ, Anh, Malaysia…
Việt Nam đứng thứ 11 trong số các thị trường ngoại khối cung cấp cao su vào EU, với khối lượng đạt 87.164 tấn, trị giá 152,2 triệu EUR (158,65 triệu USD), tăng 28% về lượng và tăng tới 60,7% về trị giá so với năm 2023.
Thị phần cao su của Việt Nam trong tổng nhập khẩu cao su vào EU từ thị trường ngoại khối năm 2024 tăng lên 3,8%, từ mức 3,2% của năm 2023. Một trong những điểm đáng chú ý khác là lượng cao su xuất khẩu của Nga vào EU tiếp tục giảm mạnh 24,5% so với năm 2023, xuống chỉ còn 90.456 tấn, do ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt sau khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina diễn ra vào tháng 2/2022.
Giá cao su nhập khẩu của EU từ thị trường ngoại khối đạt bình quân 2.234 USD/ tấn trong năm 2024, tăng 2,6% so với năm 2023. Trong đó, giá nhập khẩu từ Việt Nam tăng mạnh nhất trong số các thị trường cung cấp hàng đầu, với mức tăng 25,6%, đạt bình quân 1.820 USD/tấn.
Dù vậy, giá trung bình cao su của Việt Nam vẫn đang thấp hơn so với các quốc gia cung cấp hàng đầu khác như Thái Lan (2.121 USD/tấn), Indonesia (2.056 USD/tấn), Malaysia (1.894 USD/tấn). Với nhu cầu của thị trường đang có xu hướng phục hồi trở lại cùng với giá cả cạnh tranh, thị phần cao su của Việt Nam tại EU được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
EU hướng đến nhập khẩu nguồn nguyên liệu có tính bền vững
Trong những năm gần đây, EU luôn duy trì vị trí thứ ba về thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam. Theo Nhóm Nghiên cứu cao su Quốc tế, EU tự cung cấp đối với cao su tổng hợp với sản lượng sản xuất khoảng 2,8 triệu tấn mỗi năm (tương ứng 20,5% sản lượng thế giới) và tiêu thụ 2,6 triệu tấn.
Trong khi đó, EU tiêu thụ hơn 1 triệu tấn cao su tự nhiên mỗi năm. Do không sản xuất được cao su tự nhiên nên EU phụ thuộc 100% vào nhập khẩu. Cao su tự nhiên nhập khẩu vào Liên minh châu Âu chủ yếu có nguồn gốc từ Indonesia, Thái Lan, Bờ Biển Ngà, Malaysia và Việt Nam. Cao su tự nhiên là nguyên liệu thô quan trọng đối với ngành công nghiệp lốp xe và cao su châu Âu.
Chỉ riêng ngành lốp xe đã hấp thụ khoảng 76% tổng lượng cao su tự nhiên được sản xuất trên toàn cầu. Cao su tự nhiên là nguyên liệu khó có thể thay thế và đây là nguyên liệu thô duy nhất có nguồn gốc từ rừng được EU coi là nguyên liệu thô quan trọng (CRM). Với các mặt hàng cao su tự nhiên, EU hiện đang hướng đến việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu có tính bền vững.
Do đó, để tận dụng tối đa cơ hội từ thị trường EU, các doanh nghiệp cao su Việt Nam cần chú trọng đến việc tuân thủ các quy định về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm và các tiêu chuẩn môi trường do EU đặt ra.
Việc đầu tư vào công nghệ sản xuất sạch, bền vững và nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ giúp tăng cường khả năng cạnh tranh và mở rộng thị phần tại thị trường này.
Đối với Quy định chống phá rừng (EUDR), thời gian qua Việt Nam đã nỗ lực đáp ứng các quy định này. Đến nay, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã có 18 đơn vị thành viên được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam VFCS/PEFC, với khoảng 120.000 ha cao su và 38 nhà máy được cấp chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm PEFC-CoC.
Các đơn vị này có khả năng cung cấp hơn 100.000 tấn mủ cao su có chứng chỉ quản lý rừng bền vững mỗi năm. Các công ty thành viên của VRG đáp ứng được phần lớn yêu cầu của EUDR.
Theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2025, xuất khẩu hầu hết chủng loại cao su của Việt Nam đều giảm mạnh ở mức hai con số so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó, giá của các mặt hàng cao su đều tăng mạnh trên 30% so với cùng kỳ năm 2024. |
Đường dẫn bài viết: https://giaothuong.congthuong.vn/eu-tang-nhap-khau-cao-su-tu-thi-truong-viet-nam-376392.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Chuyên trang Cơ hội Giao thương - Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.