09:51 | 02/03/2025
Vĩnh Phúc: Phát triển sản phẩm OCOP bền vững Xúc tiến thương mại, tạo 'cú huých' cho sản phẩm OCOP |
Khai thác lợi thế
Tỉnh Vĩnh Phúc nổi tiếng với các vùng, miền có dược liệu quý như Ngọc Thanh (Phúc Yên); Minh Quang, Đạo Trù (Tam Đảo); Lãng Công ( Sông Lô)…Từ lâu, người dân nơi đây đã biết khai thác để làm thuốc, chăm sóc sức khỏe…
![]() |
Công ty Cổ phần Ong Tam Đảo đã xây dựng được thương hiệu OCOP trên thị trường với nhiều sản phẩm khai thác từ vùng dược liệu địa phương. Ảnh: Thu Thủy |
Cây Trà hoa vàng trên đất Tam Đảo được biết đến là một dược liệu quý, tuy nhiên vào những năm 1990, 1991, loài cây này bị các thương lái khai thác triệt để bán sang nước ngoài khiến “Nữ hoàng trà” đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Gia đình anh Nguyễn Văn Đại, xã Tam Quan (huyện Tam Đảo) là một trong những hộ đầu tiên trong vùng tìm kiếm trong rừng sâu và nhân giống thành công loài Trà hoa vàng. Từ một khu vườn nhỏ, anh nhân rộng hàng chục hec ta vùng trồng với những giống trà quý.
Để xây dựng thương hiệu Trà hoa vàng Tam Đảo, anh Đại đã thành lập Công ty TNHH Tân Đại Dương Vĩnh Phúc chuyên sản xuất sản phẩm từ cây Trà hoa vàng vùng núi Tam Đảo; đồng thời, liên kết với các hộ dân cung cấp giống, mở rộng diện tích và thu mua bao tiêu sản phẩm. Áp dụng quy trình VietGAP từ lúc nhân giống, trồng cho đến khi thu hoạch, tạo sản phẩm chất lượng đến với người tiêu dùng.
Từ hộ gia đình anh Đại, nhiều hộ dân trong vùng cũng đã phát triển loài cây quý hiếm này, nhiều công ty khác trên địa bàn huyện Tam Đảo đã được thành lập và hầu hết các doanh nghiệp này không chỉ tính đến việc tập trung khai thác, cho ra nhiều sản phẩm từ trà hoa vàng mà đều chú trọng bảo tồn giống trà quý này.
Tại xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch, gia đình ông Bùi Văn Sỹ cũng đã tận dụng vùng nguyên liệu địa phương với thế mạnh cây ba kích tím, phát triển cây dược liệu này. Từ một mô hình sản xuất nhỏ lẻ, chỉ 1.000 m2 của gia đình ông, đến nay, toàn xã có hơn 50 hộ trồng loại cây dược liệu này với tổng diện tích khoảng 11 ha, tập trung ở các thôn Hữu Phúc, Bắc Sơn, Yên Thích.
Được biết, toàn xã Bắc Bình hiện đang cung ứng ra thị trường 200 tấn củ ba kích/năm và dự kiến sẽ tiếp tục tăng khi diện tích trồng mới trong 2 - 3 năm trở lại đây bắt đầu cho thu hoạch.
Cùng tâm huyết với cây dược liệu, Giám đốc Công ty cổ phần chế biến nông sản Minh Phúc An - Âu Thị Kim Phượng chia sẻ: “Với nguồn nguyên liệu có sẵn ở địa phương, chúng tôi tận dụng và phát triển, cung ứng ra thị trường để trở thành các sản phẩm OCOP chất lượng, từ đó, bà con có công văn việc làm, nguồn thu, phát triển kinh tế; đồng thời quảng bá được sản phẩm của chính quê hương mình”.
… Đến các sản phẩm OCOP trứ danh
Hiện nay, trên thị trường, người tiêu dùng ưa chuộng các sản phẩm OCOP Trà hoa vàng, Đông trùng hạ thảo, rượu ba kích tím, mật ong Tam Đảo… mang thương hiệu Vĩnh Phúc nổi danh trong và ngoài nước.
![]() |
Từ nguồn nguyên liệu tại địa phương, người dân, doanh nghiệp đã khai thác, hợp tác thành chuỗi liên kết tạo ra các sản phẩm OCOP đặc trưng. Ảnh: Thu Thủy |
Từ nguồn nguyên liệu, người dân, doanh nghiệp đã khai thác, hợp tác thành chuỗi liên kết tạo ra các sản phẩm đặc trưng.
Giám đốc Trung tâm phát triển Công Thương Nguyễn Văn Chính cho biết: “Xác định dược liệu (ba kích, trà hoa vàng) là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, những năm qua, Vĩnh Phúc đã đưa vào triển khai hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ phát triển các cây trồng chủ lực nói chung và cây dược liệu nói riêng. Với ngành Công Thương, đã có nhiều chương trình hỗ trợ, phát triển, giúp bà con tiêu thụ các sản phẩm qua các chương trình xúc tiến, quảng bá góp phần phát triển kinh tế cũng như đem được hương vị của đất và người Vĩnh Phúc tới bạn bè trong nước và quốc tế”.
Có thể nói, cùng với sự năng động của các hộ dân, những cơ chế chính sách của tỉnh, của các ngành chức năng Sở Công Thương, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn là động lực quan trọng giúp hình thành các vùng sản xuất dược liệu tập trung theo hướng hữu cơ, có liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ, góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp cho nhiều địa phương.
Hiện, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có hàng nghìn sản phẩm OCOP được khai thác từ chính vùng dược liệu của địa phương như Trà hoa vàng, đông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo sữa ong chúa, mật ong đông trùng hạ thảo, mật ong chanh leo, bột sữa gạo lứt, bột gạo lứt hữu cơ – Trà hoa vàng, trà gạo lứt hữu cơ Đông trùng hạ thảo, rượu Đông trùng hạ thảo, rượu ba kích Tam Đảo, rượu ba kích sâm cau… Mỗi sản phẩm có đến hàng chục loại phong phú, hấp dẫn được công bố nâng sao hằng năm.
Nhiều sản phẩm OCOP đã có mặt tại các thị trường "khó tính" như Nhật Bản, Mỹ, Đức, Australia, Bỉ...
Nhiều sản phẩm OCOP Vĩnh Phúc đã xây dựng được thương hiệu, có chất lượng, uy tín trên thị trường như Mật ong Tacumin, Curcumin, Ngọc Thanh xuân Collagen (Công ty Cổ phần ong Tam Đảo); Các sản phẩm từ trà hoa vàng của Công ty TNHH Tân Đại Dương Vĩnh Phúc; Công ty TNHH Trà hoa vàng Tam Đảo; Nấm Đông trùng hạ thảo, rượu đông trùng hạ thảo, viên bổ thận Tam Dao trùng thảo của Hợp tác xã Nấm Tam Đảo; các sản phẩm bột sữa gạo lứt của Công ty Cổ phần thực phẩm DBFood ( Phúc Yên)… |
Đường dẫn bài viết: https://giaothuong.congthuong.vn/tu-nguon-duoc-lieu-quy-den-cac-san-pham-ocop-tru-danh-376345.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Chuyên trang Cơ hội Giao thương - Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.