15:22 | 10/01/2025
Xuất khẩu cá tra sang thị trường EU: Kỳ vọng tăng trưởng vượt trội cuối năm Cơ hội xuất khẩu thủy sản đạt 11 tỷ USD năm 2025 Xuất khẩu tôm Việt bứt phá trên các thị trường chủ lực |
Cá tra - động lực tăng trưởng của ngành thủy sản Việt Nam
Năm 2024, ngành thủy sản Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, với tổng kim ngạch xuất khẩu cán mốc 10 tỷ USD. Trong đó, cá tra tiếp tục đóng vai trò trụ cột, đóng góp khoảng 2 tỷ USD vào tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, ngành cá tra vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức đòi hỏi các giải pháp toàn diện để phát triển bền vững.
Thông tin từ Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sản lượng cá tra năm 2024 ước tính đạt 1,67 triệu tấn, bằng 99% so cùng kỳ 2023. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng là không đồng đều do có sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia và dòng sản phẩm cá thịt trắng khác.
Với kết quả đó, cá tra không chỉ khẳng định vị thế là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thành công này là kết quả của những nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp và người nuôi trồng.
![]() |
Cá tra tiếp tục đóng vai trò trụ cột, đóng góp khoảng 2 tỷ USD vào tổng kim ngạch xuất khẩu. Ảnh: VASEP |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn có nhiều thách thức mà ngành cá tra phải đối mặt. Một trong những vấn đề nổi cộm là chất lượng giống cá tra. Hiện nay, cá tra bố mẹ có nguồn gốc từ các chương trình chọn giống chiếm tỷ lệ thấp, chỉ khoảng 25%. Tỷ lệ cơ sở ương giống đạt tiêu chuẩn cũng rất hạn chế, chiếm 5,3%. Điều này khiến tỷ lệ sống và năng suất không ổn định, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất. Việc cải thiện chất lượng giống là ưu tiên hàng đầu nếu ngành cá tra muốn phát triển bền vững trong tương lai.
Ngoài ra, chi phí sản xuất cá tra ngày càng tăng cao do giá thức ăn, nhiên liệu và lao động. Hệ thống quy chuẩn về nước thải trong nuôi trồng còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho các hộ nuôi nhỏ lẻ. Những cơ sở này thường khó tiếp cận thông tin, nguồn vốn và chưa tham gia được vào chuỗi liên kết sản xuất. Nếu không có giải pháp hỗ trợ hiệu quả, nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ có nguy cơ bị loại khỏi ngành, nhường chỗ cho các doanh nghiệp lớn.
Về thị trường, cá tra Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào các quốc gia lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc và một số nước ASEAN. Điều này làm tăng rủi ro khi các thị trường này thay đổi chính sách hoặc đặt ra yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng và an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, sản phẩm giá trị gia tăng từ cá tra vẫn chiếm tỷ trọng thấp, chủ yếu là các sản phẩm đông lạnh, khiến sức cạnh tranh chưa cao trên thị trường quốc tế.
Cơ hội và thách thức đồng hành
Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, cá tra Việt Nam vẫn đang nắm giữ những cơ hội vàng để vươn tầm thế giới. Theo dự báo của Tổ chức Lương nông Liên Hợp Quốc (FAO), nhu cầu tiêu thụ thủy sản toàn cầu sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tới, đặc biệt là ở các thị trường châu Á. Điều này mở ra triển vọng tươi sáng cho ngành cá tra Việt Nam.
Với mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 2 tỷ USD vào năm 2025, ngành cá tra cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm. Tập trung đầu tư vào nghiên cứu, chọn tạo các giống cá tra có năng suất cao, kháng bệnh tốt, thích ứng với điều kiện môi trường biến đổi, tối ưu hóa chi phí sản xuất, kiểm soát chất lượng và phát triển chuỗi giá trị khép kín là những giải pháp cần thiết. Ngoài ra, chú trọng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
![]() |
Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Trung Chánh |
Bên cạnh đó, để tối ưu hóa chi phí sản xuất, cần áp dụng các công nghệ mới như nuôi trồng công nghiệp, sử dụng thức ăn chế biến, hệ thống xử lý nước thải hiện đại. Tăng cường liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị, từ sản xuất đến tiêu thụ, nhằm giảm chi phí và nâng cao hiệu quả xuất khẩu.
Đồng thời, việc mở rộng thị trường sang châu Phi, Trung Đông và các quốc gia mới nổi sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống.
Không chỉ vậy, ngành cá tra cần chuẩn bị tốt hơn để thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, thay đổi dòng chảy sông Mê Kông và các hiện tượng thời tiết cực đoan đang đe dọa nghiêm trọng đến hoạt động nuôi trồng. Đầu tư vào các mô hình nuôi bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu là bước đi chiến lược để giảm thiểu rủi ro và bảo vệ ngành hàng này.
Trong bối cảnh đầy thách thức, cá tra vẫn giữ vai trò quan trọng trong ngành thủy sản Việt Nam. Việc đồng bộ hóa các giải pháp từ cải thiện sản xuất, quản lý chất lượng đến mở rộng thị trường không chỉ giúp duy trì vị thế của cá tra trên thị trường quốc tế mà còn khẳng định giá trị bền vững mà ngành thủy sản Việt Nam mang lại.
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với tinh thần sáng tạo, khả năng thích ứng linh hoạt và sự quyết tâm, ngành thủy sản Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn để đạt được thành tích ấn tượng là 10 tỷ USD về kim ngạch xuất khẩu thủy sản, gồm: tôm đạt 4 tỷ USD; cá tra 2 tỷ USD; cá ngừ 1 tỷ USD; cá khác 1,9 tỷ USD; mực, bạch tuộc 662 triệu USD; cua ghẹ và giáp xác khác 335 triệu USD; nhuyễn thể có vỏ 215 triệu USD; nhuyễn thể khác 14,5 triệu USD. |
Đường dẫn bài viết: https://giaothuong.congthuong.vn/xuat-khau-ca-tra-dat-ky-luc-2-ty-usd-nam-2024-368936.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Chuyên trang Cơ hội Giao thương - Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.