12:03 | 30/11/2024
Điện Biên: Trợ lực cho doanh nghiệp chuyển đổi số, xúc tiến tiêu thụ nông sản Hà Giang: Đồng hành cùng nông dân trong xúc tiến thương mại, quảng bá, hỗ trợ tiêu thụ nông sản |
Người tiêu dùng ưa chuộng nông sản, đặc sản miền núi
Bác Tôm là một chuỗi thực phẩm sạch được hình thành đầu tiên ở Hà Nội từ năm 2009, với tiêu chí là thực phẩm sạch, thuận tự nhiên. Nhận thấy tiềm năng lớn của người dân Thủ đô về thực phẩm sạch của bà con vùng miền núi, đến nay, các sản phẩm đặc sản vùng miền nói chung và các sản phẩm đặc sản ở miền núi phía Bắc hoặc hải đảo đã trở thành những sản phẩm chiến lược mũi nhọn và chiếm tỷ trọng từ 60 - 70% doanh thu bán hàng của Bác Tôm.
![]() |
Nông sản, đặc sản miền núi nhìn chung đều có chất lượng tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng (Ảnh: Ngọc Lan) |
Bà Nguyễn Thị Dân - Trợ lý giám đốc Chuỗi cửa hàng Thực phẩm sạch Bác Tôm cho biết, khi kinh doanh những sản phẩm nông sản, đặc sản miền núi thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn nhưng đây lại trở thành lợi thế rất tốt của Bác Tôm. Bởi đây đều là các sản phẩm rất ngon, có nét đặc trưng văn hoá riêng của các vùng miền đến, thu hút người tiêu dùng Thủ đô nói chung và khách thập phương nói riêng và đã trở thành một thế mạnh của Bác Tôm.
“Thế mạnh của các sản phẩm này là chất lượng và hương vị rất đặc trưng của vùng miền, gắn liền với bản sắc văn hóa của địa phương. Đó là điều rất thuận lợi để Bác Tôm tiêu thụ sản phẩm” – bà Nguyễn Thị Dân nói.
Là sàn thương mại điện tử chuyên nông sản, ông Phạm Quyết Tiến - Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Sàn thương mại điện tử Nông sản Bưu điện (nongsan.buudien.vn) - Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) chia sẻ, trong thời gian vừa qua, nền tảng thương mại điện tử của Bưu điện Việt Nam đã hỗ trợ được rất nhiều các chiến dịch lớn liên quan đến các mặt hàng nông sản như là vải Bắc Giang, mận Sơn La, cam Cao Phong tại Hòa Bình, dưa lưới Ninh Thuận… Trên cơ sở ở bước đầu thành công đó, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã định hình lại, tập trung sâu vào ngành nông nghiệp và thúc đẩy bán những mặt hàng nông sản.
Bước đầu, khi đi theo định hướng này, nhìn chung, Bưu điện Việt Nam gặp thuận lợi nhờ người tiêu dùng rất ưa chuộng nông sản Việt, đặc biệt là đặc sản miền núi.
Tuy nhiên, nhìn chung, quá trình tiêu thụ nông sản, đặc sản miền núi còn gặp nhiều khó khăn bởi sản lượng khá thấp, khó vận chuyển...
Ông Phạm Quyết Tiến cũng cho hay, với nông sản thì lộ trình logistics là quan trọng nhất. Bởi các sản phẩm tươi có thời gian hư hỏng rất nhanh, không giống như những sản phẩm khô được đóng hộp hay đóng gói. Do vậy, nếu như trong quá trình vận chuyển không đảm bảo được thời gian và nhiệt độ thì khi khách hàng nhận được hàng sẽ bị hư hỏng. Hoặc quá trình vận chuyển bị va đập cũng sẽ dẫn đến là sản phẩm bị hư hỏng khi đến tay khách hàng. Đây là điểm khó khăn lớn nhất của bà con trong giai đoạn hiện nay và Bưu điện Việt Nam đang tìm những phương án để khắc phục một cách triệt để.
“Những sản phẩm hải sản tươi sống đánh bắt ở đảo Phú Quốc hay Lý Sơn có chất lượng rất tốt nhưng do sản lượng khá ít nên cước vận chuyển khá cao, dẫn đến chi phí giá thành lớn, ảnh hưởng nhiều đến sức mua của người tiêu dùng. Đấy là một điểm hạn chế lớn nhất của Bác Tôm trong thời gian vừa rồi” – bà Nguyễn Thị Dân chia sẻ.
Nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản miền núi
Để gia tăng số lượng và chất lượng cho sản phẩm nông sản, đặc biệt là đặc sản miền núi, bà Nguyễn Thị Dân cho rằng, đầu tiên phải đẩy mạnh tuyên truyền về sản phẩm đặc sản vùng miền, đặc sản miền núi và hải đảo.
Theo đó, chính quyền địa phương cần phải hỗ trợ người dân nhiều hơn nữa, quảng bá thông qua những chương trình xúc tiến thương mại. Thời gian qua, các địa phương như Bắc Giang, Sơn La… đã làm rất tốt các chương trình này.
Ngoài những kênh xúc tiến thương mại hay tổ chức các phiên livestream giới thiệu về sản phẩm đặc sản thì hiện tại, Hà Nội cũng đã kết hợp với rất nhiều địa phương trên cả nước triển khai những buổi xúc tiến thương mại để kết nối giữa đơn vị sản xuất với đơn vị phân phối. Đây là những hình thức khá hấp dẫn và đi đúng hướng, giúp gia tăng được kênh tiêu thụ sản phẩm cho bà con.
Bên cạnh đó, đặc thù của những sản phẩm này số lượng rất ít, diện tích sản xuất khá manh mún nên người dân gần như không đầu tư vào hồ sơ sản phẩm, giấy tờ pháp lý của sản phẩm. Nhưng để có thể tiếp cận nhiều hơn với các kênh phân phối lớn thì họ cần những hồ sơ pháp lý chỉn cho. Do vậy, bà con cần phải chuẩn bị rất nhiều những hành trang về công bố sản phẩm, hồ sơ chỉ dẫn địa lý cũng như pháp lý cho sản phẩm của mình. Các cơ quan chức năng cũng cần hỗ trợ về quy trình kỹ thuật canh tác để làm sao cải thiện được mẫu mã của sản phẩm.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần nâng cao năng lực chế biến cho nông sản địa phương để nâng cao giá trị và kéo dài thời gian tiêu thụ.
Ông Phạm Quyết Tiến chia sẻ thêm, trên hệ thống thương mại điện tử, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đang tập trung vào việc bán hàng thông qua nền tảng là sàn thương mại điện tử, cộng với cả việc truyền thông bán hàng livestream trên các nền tảng số, mang lại nhiều hiệu quả trong việc kinh doanh và tiếp cận đến với khách hàng.
Ngoài ra, nền tảng nông sản bưu điện cũng đang thí điểm phát triển những mô hình cửa hàng bán hàng trực tiếp, hiện tại ở Hà Nội đang xây dựng 3 điểm là bưu cục Giảng Võ, bưu cục Tây Sơn và bưu cục Hà Đông. Sau thời gian thí điểm, sẽ nhân rộng ra các địa phương khác, tận dụng tối đa lợi thế địa điểm bưu cục của bưu điện thường ở vị trí khá tốt, sẽ dễ dàng để truyền thông, quảng bá, tiếp cận đến với khách hàng trực tiếp một cách dễ dàng hơn. Đây cũng là một cái giải pháp bán hàng O2O (Online to Offline và ngược lại) để khách hàng dễ tiếp cận hơn đối với các sản phẩm thực tế.
Nêu quan điểm về hạn chế cũng như thế mạnh của sản phẩm miền núi, ông Phạm Quyết Tiến cho rằng, thường những sản phẩm của khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo lại mang những nét đặc trưng riêng biệt và thậm chí sẽ có nhiều những sản phẩm mang tính chất tinh hoa. Do đó, đối với bà con nông dân, cần phải có định hướng khác về sản phẩm, tạo ra sự khác biệt so với những sản phẩm đại trà trên thị trường. Trong đó, tập trung vào chất lượng sản phẩm. Đồng thời phải gia tăng giá trị văn hóa cho sản phẩm, gia tăng những câu chuyện hay về sản phẩm, phát triển du lịch để kéo du khách, kéo cả khách hàng đến với các khu vực này.
Đường dẫn bài viết: https://giaothuong.congthuong.vn/giai-phap-nao-de-tieu-thu-hieu-qua-nong-san-mien-nui-361715.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Chuyên trang Cơ hội Giao thương - Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.