15:40 | 17/10/2024
Giữ vững thị trường và phát triển thương hiệu gạo Việt Tiềm năng và thách thức khi bán hàng qua hình thức livestream |
Cây xóa đói giảm nghèo
Bắc Ninh là địa phương có nhiều vùng trồng nông sản giá trị cao, như: Vùng khoai tây, cà chua, cà rốt, hành, tỏi, rau xanh, lúa tẻ thơm…; trong đó vùng trồng tỏi được đánh giá cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với những cây hoa màu khác.
Gia Bình là 1 trong 2 vùng sản xuất tỏi lớn nhất của tỉnh Bắc Ninh, tập trung tại các xã Xuân Lai, Vạn Ninh, Cao Đức, Thái Bảo, Bình Dương… và từ lâu cây tỏi được người dân địa phương coi là cây màu chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo.
![]() |
Tỏi một nhánh Gia Bình được người tiêu dùng đón nhận tích cực. Ảnh: Gia Bình |
Với chất đất thịt pha cát nhẹ nên tỏi ở đây củ to đều, nhánh mẩy bóng; đặc biệt không có sâu bệnh nên giữ được nguyên hương vị thơm nồng, cay, chất tinh dầu đậm đặc… khi không bị phun tạp chất. Với yếu tố thổ nhưỡng như vậy nên tỏi Gia Bình không chỉ cho năng suất cao mà chất lượng rất tốt.
Năm 2017, huyện Gia Bình đã đưa vào sản xuất thành công tỏi một nhánh, có hàm lượng alicin cao hơn tỏi truyền thống, khắc phục được nhược điểm nhân bé nhiều vỏ khó bóc của tỏi truyền thống, mang lại sự tiện dụng cho người tiêu dùng. Năng suất tỏi một nhánh trên địa bàn đạt trung bình 280 kg/sào; với giá bán khoảng 100.000 đồng/kg.
Người có công lớn trong việc nghiên cứu kỹ thuật trồng tỏi một nhánh từ giống tỏi tía truyền thống và chế biến thành tỏi đen là ông Nguyễn Bình Phương - Giám đốc Công ty TNHH Nanocare R&D (trụ sở tại xã Xuân Lai). Đây là dấu mốc quan trọng mở ra hướng đi quan trọng cho quá trình phát triển tỏi một nhánh, cũng như xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận "Tỏi một nhánh Gia Bình".
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện nhiệm vụ thuộc Đề án “Xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh” giai đoạn 2021-2025 do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, giữa năm 2024 sản phẩm "Tỏi một nhánh Gia Bình" đã đáp ứng được các tiêu chí, quy định và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận theo Quyết định số 113524/QĐ- SHTT. Chủ sở hữu là UBND huyện Gia Bình.
Theo lãnh đạo huyện Gia Bình, việc cấp Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận “Tỏi một nhánh Gia Bình” là cơ sở quan trọng khẳng định quyền đối với sản phẩm, là căn cứ để địa phương xây dựng quy hoạch phát triển bền vững sản phẩm được bảo hộ. Đồng thời, để người dân, doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mở rộng liên kết, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao năng lực quản lý… góp phần tăng giá trị của sản phẩm, đồng thời, bảo tồn, phát triển làng nghề bền vững.
Gìn giữ thương hiệu
Trước đó, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Ninh cũng đã hỗ trợ xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận cho nhiều sản phẩm tiêu biểu của địa phương như: Bánh phu thê Đình Bảng, Khoai tây Quế Võ, Cà rốt Gia Bình, Nem Bùi, Tương Đình Tổ, Đậu Trà Lâm, Gạo nếp Nhung Tam Sơn, Bánh tẻ Làng Chờ, Bánh đa nem Yên Phụ, Nếp cái hoa vàng Yên Phụ…
Sau khi được cấp bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, các chủ thể như hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ gia đình... đã đẩy mạnh cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng. Các sản phẩm được hỗ trợ tham gia chương trình xúc tiến thương mại qua đó, gia tăng giá trị kinh tế và danh tiếng trên thị trường.
Tuy nhiên, giới chuyên gia bày tỏ, việc xây dựng được thương hiệu sản phẩm đã khó nhưng để giữ uy tín, chất lượng và phát huy thương hiệu càng khó hơn, do đó bản thân mỗi người dân cần nâng cao nhận thức về việc gìn giữ uy tín, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đi liền với đó là quy hoạch vùng sản xuất theo quy mô tập trung, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất thay đổi tư duy canh tác nhỏ lẻ, manh mún; tích cực tổ chức cho các hộ dân tham gia hoạt động xúc tiến thương mại góp phần quảng bá sản phẩm địa phương.
Riêng với “Tỏi một nhánh Gia Bình”, giới chuyên gia khuyến cáo, người dân cần tuân thủ chặt chẽ quy trình trồng đúng thời vụ, bảo đảm điều kiện sinh thái chung của cây tỏi về nhiệt độ, ánh sáng, ẩm độ...; đất trồng phải chọn khu vực cao dễ thoát nước, tuân thủ nghiêm ngặt chế độ chăm sóc như phân bón, tưới tiêu phù hợp và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý...
Là chủ sở hữu nhãn hiệu này, UBND huyện Gia Bình đã ban hành Quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu về các khâu chuẩn bị, kỹ thuật sản xuất, đóng gói và bảo quản, gắn nhận diện Nhãn hiệu chứng nhận “Tỏi một nhánh Gia Bình”.
Đồng thời phối hợp với một số đơn vị chức năng tổ chức đào tạo, tập huấn về kỹ thuật sản xuất, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; khuyến cáo các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ghi chép nhật ký, lưu trữ sổ sách để theo dõi quá trình sản xuất, bảo quản, bảo đảm mọi sai lệch phải được phát hiện, điều chỉnh kịp thời. Xét nghiệm các chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm nhằm phục vụ việc đánh giá tổng quan, đưa ra các biện pháp quản lý và kiểm soát cần thiết, khả thi.
Ông Nguyễn Khắc Đạm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Bình - cho biết: Việc nhân rộng diện tích tỏi một nhánh trên địa bàn huyện Gia Bình là giải pháp phát huy thế mạnh sản xuất cây màu của địa phương, nâng cao thu nhập cho nông dân, đáp ứng nhu cầu thị trường.
“Tỏi một nhánh Gia Bình” hiện được cung ứng cho Công ty TNHH Nanocare R&D để chế biến thành các sản phẩm: Tỏi đen một nhánh, trà, dầu gội tỏi đen… trong đó, sản phẩm tỏi đen một nhánh được công nhận OCOP 4 sao. |
Đường dẫn bài viết: https://giaothuong.congthuong.vn/bac-ninh-no-luc-gin-giu-thuong-hieu-toi-mot-nhanh-gia-binh-353028.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Chuyên trang Cơ hội Giao thương - Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.