16:10 | 04/05/2024
Đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản Hải Dương Vải thiều Lục Ngạn “phủ sóng” các sàn thương mại điện tử |
Thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại năm 2024, Bắc Giang và Hải Dương là tỉnh có diện tích trông vải lớn đang tăng cường các hoạt động xúc tiến tiêu thụ quả vải và nông sản địa phương.
![]() |
Bắc Giang, Hải Dương khởi động các chương trình xúc tiến tiêu thụ quả vải và nông sản địa phương |
Theo đại diện lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, UBND tỉnh đã khởi động các chương trình xúc tiến tiêu thụ quả vải và nông sản ngay từ đầu năm. Các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, hợp tác xã tổ chức sản xuất, xử lý sau thu hoạch, bảo đảm chất lượng các sản phẩm cây ăn quả, sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Lục Ngạn có diện tích trồng vài lớn nhất của Bắc Giang. Toàn huyện hiện có khoảng 17.360ha diện tích vải thiều, trong đó vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 13.400ha, chiếm 77,18% tổng diện tích, sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 300ha.
Đặc biệt, huyện Lục Ngạn đã thực hiện số hóa vùng sản xuất vải tập trung với 103 mã số vùng trồng sản xuất vải, tổng diện tích 12.380,81 ha, trong đó: 33 mã thị trường Nhật Bản diện tích 266,89ha, 2 mã thị trường Thái Lan diện tích 20ha; 13 mã thị trường Úc diện tích 191,5ha; 16 mã thị trường Mỹ với diện tích 194,61 ha; 39 mã thị trường Trung Quốc với diện tích 11.702,81 ha và 34 doanh nghiệp, hợp tác xã, thương nhân được cấp mã số cơ sở đóng gói.
Trong các hoạt động xúc tiến thị trường tiêu thụ vải của tỉnh Bắc Giang, vào thời gian từ tháng 5 đến tháng 7/2024, tại các điểm du lịch, thắng cảnh, các nhà vườn, hợp tác xã được chọn làm du lịch mùa vải thiều sẽ diễn ra các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn các hợp tác xã tổ chức các hoạt động Chương trình du lịch mùa hè 2024 (mùa vải chín), để quảng bá xúc tiến tiêu thụ vải thiều, các sản phẩm đặc trưng của địa phương với du lịch và tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt các chương trình truyền hình, trang báo của tỉnh, của trung ương về du lịch mùa hè Lục Ngạn; sản xuất các clip ngắn giới thiệu về du lịch vải thiều, các thắng cảnh Lục Ngạn đăng tải trên youtube và mạng xã hội zalo, facebook; in tờ gấp quảng bá du lịch Lục Ngạn…
Đáng chú ý, trong tháng 5/2024, tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến với Sở Thương mại, các cơ quan chức năng của tỉnh Vân Nam, Quảng Tây - Trung Quốc để tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm chủ lực đặc trưng của tỉnh vào thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Bắc Giang cũng tổ chức hội nghị kết nối cung cầu vải thiều và các sản phẩm chủ lực đặc trưng của tỉnh trên các sàn thương mại điện tử và nền tảng số; tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều sớm và du lịch mùa vải thiều Tân Yên.
Tỉnh Bắc Giang còn dự kiến tổ chức đón các đoàn cán bộ và doanh nghiệp tỉnh Vân Nam, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc vào khảo sát thị trường, giao dịch với doanh nghiệp trong tỉnh nhằm trao đổi cơ hội về đầu tư, thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại, hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu vải thiều.
Cùng với hoạt động xúc tiến thương mại quả vải, tỉnh Hải Dương ngày 9/5 tới đây cũng tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản Hải Dương với hệ thống Thương vụ Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài.
Hội nghị nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, chế biến và kinh doanh vải thiều của Thanh Hà nói riêng và Hải Dương nói chung đẩy mạnh xúc tiến thương mại; quảng bá chất lượng và thương hiệu, kích cầu tiêu thụ trong nước, xuất khẩu, phát triển thị trường.
Theo UBND huyện Thanh Hà, chỉ khoảng 2 tuần nữa vải Thanh Hà sẽ cho thu hoạch. Trà vải cho thu thoạch sớm nhất là u trứng trắng, sau đó đến u trứng gai, u hồng, u thâm, tàu lai. Vải thiều chính vụ cho thu hoạch vào giữa tháng 6, sản lượng không đáng kể. Năm 2023, huyện Thanh Hà thu hoạch 40.000 tấn vải (vải sớm 25.000 tấn, vải chính vụ 15.000 tấn), giá bán khoảng 27.000 đồng/kg.
Hiện nay, huyện Thanh Hà có 3.265ha vải; trong đó 1.700ha vải sớm. Chất lượng vải thiều không ngừng được nâng cao. Toàn huyện có khoảng 500ha vải đã được công nhận đạt tiêu chuẩn GAP; trong đó có 400ha VietGAP và 50ha GlobalGAP còn hiệu lực. Năm 2023, dự kiến tiếp tục sản xuất và chứng nhận đạt chuẩn GAP khoảng 200ha.
Vải thiều Thanh Hà đã được chứng nhận “chỉ dẫn địa lý” và nhiều danh hiệu uy tín khác như: “Top 10 sản phẩm uy tín chất lượng” và là đặc sản “Tinh hoa đặc sản 3 miền”; giải thưởng “Thương hiệu vàng”, chứng nhận “Thương hiệu thực phẩm an toàn tin dùng”, Top 10 Thương hiệu nhãn hiệu nổi tiếng do Liên hiệp Khoa học doanh nhân Việt Nam và tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo bình chọn.
Mỗi năm vải thiều chỉ cho thu hoạch vào 2 tháng 5 và 6, nếu kéo dài hơn thì thêm vào ngày đầu tháng 7. Mùa thu hoạch diễn ra nhanh nên vải vừa quý vừa hiếm. Những người sành ăn, biết đến vải thiều thì dù ở đâu cũng muốn mua bằng được một chút làm quà.
Theo thống kê, tổng sản lượng tiêu thụ vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang năm 2023 đạt trên 201.600 tấn. Vải thiều Bắc Giang chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (chiếm trên 98% tổng sản lượng xuất khẩu). Còn lại vải thiều được xuất khẩu sang các thị trường khác như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, EU, Thái Lan, UAE, Qatar và một số nước khu vực Trung Đông và khu vực Đông Nam Á… Sản lượng vải quả năm 2023 của tỉnh Hải Dương ước đạt 58.000 tấn. Các thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia, Singapore, châu Âu. Tất cả các lô hàng xuất khẩu đều đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của nước nhập khẩu. |
Đường dẫn bài viết: https://giaothuong.congthuong.vn/tinh-bac-giang-hai-duong-day-manh-hoat-dong-xuc-tien-tieu-thu-qua-vai-318229.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Chuyên trang Cơ hội Giao thương - Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.