Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ bảy 17/05/2025 05:43
Tin nóng:
Sâm Ngọc Linh Sơn La: Tạo sinh kế bền vững cho bà con đồng bào dân tộc Nâng cao giá trị sản phẩm sâm Ngọc Linh Tri thức dân gian về sâm Ngọc Linh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia |
Quốc bảo từ núi rừng Ngọc Linh
Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis var. vietnamensis) là loài sâm quý hiếm và đặc hữu của núi Ngọc Linh, thuộc hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Được phát hiện từ năm 1973, Sâm Ngọc Linh được khoa học hiện đại và y học cổ truyền ghi nhận có giá trị dược lý cao, với hệ hoạt chất đa dạng, nổi bật là nhóm saponin có cấu trúc phức tạp. Trong hơn 50 năm qua, các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước đã từng bước làm sáng tỏ những đặc điểm hình thái, giải phẫu, thành phần hóa học và tác dụng sinh học của loài sâm này.
![]() |
Sâm Ngọc Linh là cây quý của đồng bào Xơ Đăng |
Sự quan tâm của giới khoa học đối với Sâm Ngọc Linh không chỉ dừng lại ở yếu tố “quý hiếm” hay “đặc hữu”, mà ngày càng được mở rộng sang các lĩnh vực chuyên sâu hơn như sinh học phân tử, công nghệ sinh học, hóa dược, sinh lý học, công nghệ chế biến sâu, truy xuất nguồn gốc, quản trị chất lượng và phát triển sản phẩm có hàm lượng tri thức cao.
Ngày 10/5, tại tỉnh Quảng Nam, đã diễn ra Hội nghị triển khai Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án "Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực".
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp dược liệu.
Tuy nhiên, nhiều năm qua ngành dược liệu của nước ta chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, chủ yếu khai thác thô, giá trị gia tăng thấp, chưa tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế.
Ngay sau đó, vào ngày 15/5/2025, UBND tỉnh Kon Tum tổ chức Hội thảo khoa học "Các nghiên cứu mới về Sâm Ngọc Linh - Thành tựu và ứng dụng". Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ những phát hiện mới về đặc điểm sinh học, dược lý, hóa học và gen của Sâm Ngọc Linh - căn cứ để khẳng định tính ưu việt của loài sâm này so với các loài sâm trên thế giới; khả năng nhân giống, phát triển vùng nguyên liệu và bảo tồn nguồn gen bền vững - phù hợp với điều kiện sinh thái đặc thù của vùng núi Ngọc Linh.
Các đại biểu cũng chia sẻ về công nghệ sau thu hoạch, chế biến sâu, tiêu chuẩn chất lượng và truy xuất nguồn gốc - yếu tố then chốt để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; các mô hình quản lý, hợp tác công - tư trong nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm sâm - từ đó gắn nghiên cứu với ứng dụng, thị trường và chiến lược quốc gia.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Đức Tuy khẳng định Hội thảo khoa học "Các nghiên cứu mới về Sâm Ngọc Linh - Thành tựu và ứng dụng" là hoạt động vô cùng ý nghĩa, mang tầm chiến lược về khoa học, góp phần khẳng định giá trị và vị thế của loài dược liệu quý Sâm Ngọc Linh. Nhất là trong giai đoạn hiện nay Đảng, Nhà nước ta đã có chủ trương xem phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
![]() |
Cây sâm là cây thoát nghèo cho đồng bào |
Đồng bào Xơ Đăng: Người giữ hồn cho Sâm Ngọc Linh
Đồng bào Xơ Đăng, một trong những dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời tại vùng núi Ngọc Linh, đã gắn bó mật thiết với cây Sâm Ngọc Linh. Họ không chỉ là những người trồng, chăm sóc mà còn là người gìn giữ tri thức bản địa quý báu về loài sâm này.
![]() |
Tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào Xơ Đăng trong việc phát triển cây Sâm Ngọc Linh |
Tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào Xơ Đăng trong việc phát triển cây Sâm Ngọc Linh. Cụ thể, hàng nghìn cây giống Sâm Ngọc Linh đã được cấp phát miễn phí cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng dự án. Đồng thời, tỉnh cũng đầu tư hơn 13 tỷ đồng để xây dựng hệ thống thiết bị phân tích ADN và thiết bị phân tích, kiểm định các thành phần của Sâm, nhằm bảo vệ thương hiệu Sâm Ngọc Linh và người tiêu dùng.
Việc phát triển Sâm Ngọc Linh không chỉ giúp đồng bào Xơ Đăng cải thiện thu nhập mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Không chỉ nhận được sự quan tâm của địa phương mà nhằm định hướng và hỗ trợ phát triển Sâm Ngọc Linh một cách bền vững, Chính phủ đã ban hành hai đề án quan trọng gồm Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 01/6/2023 phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Mục tiêu là phát triển Sâm Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, đưa Sâm Việt Nam thành sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y - dược; đa dạng hóa sản phẩm, từng bước đưa Sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn với bảo hộ thương hiệu Sâm Việt Nam.
Bên cạnh đó là Quyết định số 463/QĐ-TTg ngày 28/02/2025 phê duyệt Đề án "Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với Sâm Ngọc Linh là cây chủ lực". Mục tiêu là phát triển hệ thống chuỗi sản xuất, kinh doanh đồng bộ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu với Sâm Ngọc Linh là cây chủ lực tại tỉnh Quảng Nam, hình thành khu vực tập trung các cơ sở công nghiệp dược liệu có kết nối với các hoạt động nuôi trồng, sản xuất, chế biến dược liệu của các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Những văn bản này không chỉ tạo hành lang pháp lý thuận lợi mà còn mở ra nhiều cơ hội cho đồng bào Xơ Đăng và các dân tộc thiểu số khác trong việc phát triển kinh tế từ cây Sâm Ngọc Linh.
Tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu đến năm 2025 có 4.500 ha Sâm Ngọc Linh và 10.000 ha dược liệu khác; đến năm 2030 có 10.000 ha Sâm Ngọc Linh và 25.000 ha dược liệu khác. Đây là chương trình hành động có tính chiến lược nhằm bảo tồn và phát triển cây Sâm Ngọc Linh, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nâng cao thu nhập cho người dân.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh cần tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao trong trồng và chế biến Sâm Ngọc Linh, đồng thời xây dựng các mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ hiệu quả, đảm bảo lợi ích cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Về phía doanh nghiệp, tại Hội nghị triển khai Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án "Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực", ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trường Hải (THACO) - Tập đoàn đa ngành có tiềm lực lớn trong đầu tư nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ cam kết THACO sẽ đồng hành, tài trợ tích cực cho việc thực hiện Đề án đã được Thủ tướng phê duyệt. "Chúng tôi xem đây là sứ mệnh doanh nhân đối với đất nước", ông Trần Bá Dương nêu rõ.
Tổng Giám đốc Công ty Dược OPC Phạm Thị Xuân Hương cho rằng phát triển một trung tâm công nghiệp dược liệu là hoàn toàn đúng đắn, bởi mỗi doanh nghiệp đầu tư riêng lẻ thì không tạo thành chuỗi. OPC cam kết sẽ triển khai vùng trồng ứng dụng công nghệ cao, đồng thời thu mua đầu ra cho người dân cũng như sẽ đầu tư nhà máy chiết xuất hoạt chất tại Quảng Nam.
Sâm Ngọc Linh không chỉ là “quốc bảo” về dược liệu mà còn là chìa khóa giúp đồng bào Xơ Đăng và các dân tộc thiểu số khác tại Kon Tum thoát nghèo bền vững. Việc phát triển Sâm Ngọc Linh một cách bài bản, khoa học và bền vững sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung. |