20:52 | 08/05/2025
Việt Nam nhập khẩu gần 1,98 triệu tấn đậu tương trong 11 tháng năm 2024 Việt Nam nhập khẩu đậu tương nhiều nhất từ Brazil Việt Nam chi gần 86 triệu USD nhập khẩu đậu tương |
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Cục Hải quan, nhập khẩu đậu tương về Việt Nam trong tháng 4 đạt hơn 126 nghìn tấn với trị giá hơn 56 triệu USD, giảm gần 42% về cả lượng lẫn kim ngạch so với tháng 3.
Lũy kế trong 4 tháng đầu năm nước ta đã chi hơn 318 triệu USD để nhập khẩu hơn 703 nghìn tấn, giảm 7,8% về lượng và giảm đến 22% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024.
Xét về thị trường, Mỹ hiện nay là nhà cung cấp đậu tương lớn nhất cho Việt Nam với hơn 414 nghìn tấn, trị giá hơn 186 triệu USD, tăng mạnh 47% về lượng và tăng 19% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý giá cũng giảm mạnh so với 4 tháng năm 2024, đạt 451 USD/tấn, tương ứng mức giảm 19%. Hiện thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng khô dầu đậu tương từ Mỹ vào nước ta đã được giảm từ 1%, 2% xuống 0%.
![]() |
4 tháng đầu năm, Mỹ là nhà cung cấp đậu tương lớn nhất cho Việt Nam với hơn 414 nghìn tấn, trị giá hơn 186 triệu USD, tăng mạnh 47% về lượng và tăng 19% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa |
Đứng thứ 2 là Brazil với hơn 200 nghìn tấn đậu tương, trị giá hơn 88 triệu USD, giảm mạnh 51% về lượng và giảm 58% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024. Giá giảm 14%, đạt bình quân 440 USD/tấn.
Canada là nhà cung cấp lớn thứ 3 của Việt Nam với hơn 58 nghìn tấn, trị giá hơn 29 triệu USD, tăng 71% về lượng và tăng 37% về trị giá. Giá giảm 20% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 501 USD/tấn.
Bên cạnh nguồn cung nhập khẩu, theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, diện tích trồng đậu tương của Việt Nam năm 2024 chỉ đạt khoảng 20.000 ha, con số còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế. Trong đó, gần 88% diện tích tập trung ở các tỉnh phía Bắc và chỉ 12% ở phía Nam. Nguồn cung trong nước hiện mới chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu, đặc biệt trong sản xuất thức ăn chăn nuôi ngành tiêu thụ đậu tương nhiều nhất.
Do đó, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu từ 1,5 đến 2 triệu tấn đậu tương để đáp ứng sản xuất. Năm 2024, nước ta đã nhập khẩu tổng cộng 2,22 triệu tấn đậu tương với giá trị gần 1,13 tỷ USD – tăng hơn 19% về sản lượng nhưng giảm 3,6% về giá trị kim ngạch, do giá nhập khẩu bình quân giảm đến 19% so với năm trước.
Hiện nay, Việt Nam là quốc gia nhập khẩu khô đậu tương lớn thứ 3 và nhập khẩu đậu tương lớn thứ 9 trên thế giới. Nhờ giá đậu tương giảm cùng với giá lợn hơi tăng cao, người chăn nuôi được hưởng lợi kép từ đầu năm đến nay. Năm 2024, theo thống kê sơ bộ của Cục Hải quan, Việt Nam đã nhập khẩu 2,22 triệu tấn đậu tương với giá trị gần 1,13 tỷ USD, tăng hơn 19% về lượng, nhưng giảm 3,6% kim ngạch và giảm 19% về giá so với năm 2023.
Nhờ chi phí thức ăn giảm, biên lợi nhuận của người chăn nuôi được cải thiện đáng kể, đặc biệt trong bối cảnh giá đầu ra tăng ổn định. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, sự phụ thuộc lớn vào nhập khẩu nguyên liệu cũng là một rủi ro dài hạn nếu chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn. Do đó, bên cạnh việc tận dụng lợi thế giá và thuế trong ngắn hạn, Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp mở rộng vùng nguyên liệu trong nước, đầu tư công nghệ và giống cây trồng để giảm dần sự lệ thuộc vào nguồn cung bên ngoài. |
Đường dẫn bài viết: https://giaothuong.congthuong.vn/quy-i2025-my-xuat-sang-viet-nam-hon-414-nghin-tan-dau-tuong-386686.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Chuyên trang Cơ hội Giao thương - Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.