11:13 | 06/05/2025
Tháng 2/2025, xuất khẩu thủy sản tăng trưởng vượt bậc hơn 42% Thủy sản Việt bứt phá xuất khẩu, chinh phục thị trường lớn Xuất khẩu thủy sản tăng hơn 19% trong quý I/2025 |
Theo số liệu của Cục Hải quan (Bộ Tài chính), xuất khẩu thủy sản của Việt Nam quý I/2025 đạt 515,61 nghìn tấn, trị giá 2,31 tỷ USD, tăng 8,7% về lượng và tăng 19,2% về trị giá so với quý I/2024.
Động lực chính đến từ tăng trưởng mạnh của nhiều mặt hàng chủ lực. Tôm tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt khi tăng 9,7% về lượng và 33,1% về trị giá. Cá tra và basa cũng đóng góp đáng kể với mức tăng 3% về lượng và 6,8% về trị giá. Cá ngừ các loại tăng 2,6% về lượng và tăng 1,2% về trị giá; cá khô tăng 28,1% về lượng và tăng 14,5% về trị giá; mực các loại tăng 3,1% về lượng và tăng 10,1% về trị giá; chả cá tăng 9,3% về lượng và tăng 8,3% về trị giá; cua các loại tăng 159,4% về lượng và tăng 74,3% về trị giá.
![]() |
Xuất khẩu thủy sản quý I/2025 lập đỉnh mới, tôm tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt khi tăng 9,7% về lượng và 33,1% về trị giá. Ảnh minh hoạ |
Đặc biệt, các mặt hàng như nghêu, ốc và sò ghi nhận tốc độ tăng trưởng ngoạn mục điển hình như nghêu các loại tăng 26,6% về lượng và tăng 27,6% về trị giá; ốc các loại tăng 359,9% về lượng và tăng 552,9% về trị giá; sò các loại tăng 808,2% về lượng và tăng 290,7% về trị giá… Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có thể sẽ tăng chậm lại vì biến động lớn từ các thị trường, với các yếu tố như thay đổi thói quen tiêu dùng, biến động cung cầu... làm ảnh hưởng tới xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong thời gian tới.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đạt 1,27 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2024. Riêng trong tháng 4, kim ngạch đạt hơn 330 triệu USD, tăng 15%. Nguyên nhân chủ yếu nhờ giá tôm thế giới phục hồi và nhu cầu tại các thị trường lớn như Trung Quốc, EU và Nhật Bản tiếp tục tăng.
Cá tra vẫn giữ vững vai trò quan trọng với kim ngạch 632,7 triệu USD sau 4 tháng, tăng 9%, tuy nhiên đà tăng bắt đầu chậm lại. Trong tháng 4, giá trị xuất khẩu cá tra gần như không tăng so với cùng kỳ, đạt 167,7 triệu USD.
Ở chiều ngược lại, cá ngừ đang gặp khó khăn do thiếu hụt nguyên liệu, đặc biệt với quy định mới về kích thước cá ngừ vằn. Tháng 4, xuất khẩu cá ngừ giảm 12% xuống còn 76,1 triệu USD. Tuy nhiên, tính chung 4 tháng, kim ngạch vẫn tăng nhẹ 1%, đạt 304,2 triệu USD.
Một số mặt hàng khác có mức tăng trưởng nổi bật, dù chiếm tỷ trọng nhỏ. Cá rô phi và cá điêu hồng tăng đến 138%, đạt 19 triệu USD. Các sản phẩm như nhuyễn thể (chân đầu, có vỏ), cua ghẹ cũng tăng trưởng ấn tượng nhờ nhu cầu cao từ Trung Quốc và ASEAN, với kim ngạch lần lượt đạt 216,4 triệu USD (tăng 18%), 83,1 triệu USD (tăng 82%) và 112,1 triệu USD (tăng 50%).
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) là điểm sáng lớn nhất khi chiếm 709,8 triệu USD trong 4 tháng đầu năm, tăng 56%. Riêng tháng 4, xuất khẩu sang khu vực này đạt 182,3 triệu USD, tăng 29%, chủ yếu nhờ các mặt hàng như tôm, cua ghẹ và nhuyễn thể phục vụ phân khúc cao cấp. Nhật Bản đứng thứ hai với 536,6 triệu USD (tăng 22%), duy trì tăng trưởng nhờ tiêu thụ ổn định các sản phẩm giá trị gia tăng. EU và Hàn Quốc cũng đạt kết quả tích cực với kim ngạch lần lượt 351,5 triệu USD (tăng 17%) và 264,1 triệu USD (tăng 15%).
Trong khi đó, thị trường Mỹ đang ghi nhận sự chững lại rõ rệt. Tổng kim ngạch 4 tháng đạt 498,4 triệu USD, chỉ tăng 7%, trong khi riêng tháng 4 giảm 15% so với cùng kỳ, còn 120,5 triệu USD.
Dù khởi đầu năm 2025 tích cực, các chuyên gia dự báo tăng trưởng xuất khẩu thủy sản có thể chậm lại trong các quý tới do ảnh hưởng từ biến động cung - cầu và xu hướng tiêu dùng thay đổi tại nhiều thị trường lớn. |
Đường dẫn bài viết: https://giaothuong.congthuong.vn/xuat-khau-thuy-san-lap-dinh-tom-dan-dau-da-tang-truong-386223.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Chuyên trang Cơ hội Giao thương - Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.