19:25 | 23/04/2025
Việc sắp xếp đơn vị hành chính được kỳ vọng sẽ mở ra không gian phát triển mới cho ngành du lịch, khi điểm đến không còn bị giới hạn bởi ranh giới địa lý cũ. Dù tên gọi có thể thay đổi, các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng là giữ được bản sắc và đầu tư kịp thời cho thương hiệu mới. Giới chuyên gia và doanh nghiệp du lịch nhìn nhận đây là cơ hội để mở rộng tour, tuyến, làm mới thương hiệu và tạo sức bật cho các điểm đến.
Chia sẻ với báo chí, TS. Trịnh Lê Anh - công tác tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng, điều giữ chân du khách không phải là tên một tỉnh, mà là cảm xúc và trải nghiệm của vùng đất ấy mang lại. Thương hiệu du lịch không chỉ là tên gọi, logo hay khẩu hiệu. Điều làm nên sức cạnh tranh là bản sắc riêng có, không thể sao chép.
![]() |
Cung đường Hà Giang được các du khách quốc tế quan tâm trải nghiệm. Ảnh: Vietnam Travel |
Đồng thời, nhiều chuyên gia khác cũng đồng tình và cho rằng đổi tên hành chính không nên bị coi là mất mát, mà là thời cơ làm mới. “Một tỉnh nếu có thêm tài nguyên du lịch - biển, rừng, văn hóa mới thì nên coi đó là vốn quý để tái định vị thương hiệu” - TS. Trịnh Lê Anh phân tích.
Điển hình, cung đường "Ha Giang Loop", vốn nổi tiếng với cao nguyên đá và văn hóa bản địa. Dù sau này đổi tên thành “Ha Giang Loop in Tuyen Quang”, trải nghiệm cốt lõi vẫn không đổi. Thậm chí, cái tên mới có thể tạo sự tò mò, giúp thu hút thêm du khách.
Để quá trình chuyển đổi hành chính không làm gián đoạn hoạt động du lịch, các địa phương cần chuẩn bị sớm về nguồn lực, nhân sự và chiến lược quảng bá thương hiệu. Do đó, các chuyên gia nhận định rằng ngay từ bây giờ, cần lên kế hoạch cụ thể: Từ tài chính, nhân sự, đến bộ máy truyền thông. Mọi khâu phải liền mạch, tránh để xảy ra tình trạng lộn xộn hay thông tin sai lệch.
Trong thời đại số, du khách tiếp cận thông tin qua mạng nhanh hơn nhiều so với các tờ rơi hay biển chỉ dẫn. Do đó, việc định hình và truyền thông thương hiệu mới trên nền tảng số cần được ưu tiên. Các trung tâm hỗ trợ du khách ở địa phương cũng cần sẵn sàng giới thiệu thông tin theo đơn vị hành chính mới.
Nền tảng của thương hiệu du lịch vẫn là bản sắc, yếu tố khiến một vùng đất trở nên độc đáo. Đó có thể là thiên nhiên, văn hóa, con người… nhưng cần được kể lại bằng ngôn ngữ hiện đại, thông qua sản phẩm du lịch sáng tạo, công nghệ số và đội ngũ làm nghề tâm huyết.
Bên cạnh đó, chính người dân sẽ là “đại sứ thương hiệu” hiệu quả nhất. Ngành du lịch cần tạo điều kiện để cộng đồng tham gia từ khâu quy hoạch đến thiết kế sản phẩm, không chỉ là đối tượng thụ hưởng mà là chủ thể kiến tạo trải nghiệm. Một thương hiệu chỉ thật sự bền vững khi nó sống trong lòng dân và được lan tỏa từ chính họ. |
Đường dẫn bài viết: https://giaothuong.congthuong.vn/sap-nhap-tinh-la-co-hoi-lam-moi-thuong-hieu-du-lich-384556.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Chuyên trang Cơ hội Giao thương - Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.