11:38 | 17/04/2025
Làm rõ tầm quan trọng của thị trường carbon Tăng cường kết nối giữa thị trường carbon và trái phiếu xanh Yên Bái hướng đến phát triển phương tiện giao thông xanh |
Doanh nghiệp tiên phong
Dù còn khá mới mẻ tại Việt Nam nhưng một số doanh nghiệp đã tiên phong sản xuất để có tín chỉ carbon và đặt chân vào thị trường carbon.
Điển hình có thể kể tới Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hoà (TTC Biên Hoà), bà Võ Hoàng Nga - Giám đốc ESG, TTC AgriS, cho hay, doanh nghiệp thực hiện dự án tín chỉ carbon cho nhà máy phân bón được khoảng 10 năm. Năm 2025 dự kiến đạt 5.000 tín chỉ, trong10 năm tới và dự kiến đạt trên 300.000 tín chỉ. Dự án là một mô hình khép kín, chuyển đổi chất thải và khí thải thành tài sản dưới dạng tín chỉ carbon có thể giao dịch.
![]() |
Sản xuất Biochar từ trấu. Ảnh minh họa |
TTC Biên Hoà cũng đang triển khai mô hình sản xuất Biochar - sử dụng chất thải nông nghiệp và công nghiệp để sản xuất than sinh học. Sản phẩm này không chỉ có thể phối trộn với phân bón giúp cải tạo đất, đồng thời tạo ra dòng tín chỉ carbon độc lập.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang triển khai chiến dịch trồng 10 triệu cây xanh như một phần trong cam kết bù trừ phát thải của chính mình, hướng tới trung hoà carbon.
Chia sẻ về lực đẩy giúp TTC Biên Hoà đi trước trong lĩnh vực tín chỉ carbon, bà Võ Hoàng Nga nhấn mạnh, điều này xuất phát từ chiến lược phát triển bền vững. Để có được kết quả như ngày hôm nay, doanh nghiệp đã xây dựng cơ sở dữ liệu về phát thải, song song đó tìm giải pháp để biến chất thải thành sản phẩm xanh. Và kết quả những tín chỉ carbon ra đời.
Công ty TNHH Husk Việt Nam đã có kinh nghiệm sản xuất Biochar tại Campuchia và bán thành công tín chỉ carbon cho các tổ chức ở châu Âu. Hiện Husk đang triển khai một dự án sản xuất Biochar tại khu vực Me Kong, dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2026. Sau khi hoàn thành dự án sẽ đạt công suất 3.000 tấn Biochar và 3.000 tín chỉ carbon.
Sử dụng Biochar giúp cải tạo đất, cải thiện năng suất cho nông nghiệp, có thể giữ được nước, giảm phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời trung hòa carbon. “Dự án thành công sẽ đóng góp rất nhiều trong giảm tác động môi trường giảm khí thải tại Việt Nam”, ông Nguyễn Tuấn Anh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Husk Việt Nam nhấn mạnh.
Ông cũng đồng thời cho hay, lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng cho khai thác và phát triển sản phẩm Biochar nói riêng, tín chỉ carbon nói chung. Nếu được khai thác, sản phẩm này mang lại lợi ích kép cho doanh nghiệp khi giúp có được sản phẩm sinh học, có tín chỉ carbon, đạt mục tiêu sản xuất xanh. Cùng đó giúp người nông dân tăng thêm nguồn thu nhập.
Vẫn trông chờ hệ thống pháp lý
Thị trường carbontại Việt Nam được doanh nghiệp ghi nhận có tiềm năng rất lớn, tuy nhiên do còn mới mẻ nên khá khó khăn khi thực hiện.
Từ kinh nghiệm bản thân, theo bà Võ Hoàng Nga, khó nhất là thiếu kiến thức và phụ thuộc vào đơn vị tư vấn dẫn tới bị động về thời gian và chi phí. “Điều này buộc doanh nghiệp phải tự lớn lên, có nghĩa, nhìn nhận được rào cản trong tương lai, từ kinh nghiệm đã có linh hoạt vận dụng vào thực tế để giải quyết”, lãnh đạo TTC Biên Hoà nói.
![]() |
Ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Ảnh: Thu Hường |
Mặt khác, lãnh đạo TTC Biên Hoà cũng cho rằng, trong lĩnh vực nông nghiệp có khá nhiều thách thức khi thực hiện tín chỉ carbon, bởi lẽ người nông dân sử dụng khá nhiều hoá chất trong quá trình chăm sóc, sử dụng các loại thuốc diệt cỏ bừa bãi gây phát thải carbon. Sử dụng nguồn nước không có kế hoạch cũng sẽ ảnh hưởng tới cạn kiệt tài nguyên và phát thải khí nhà kính.
“Giải quyết những nút thắt này, doanh nghiệp đồng hành cùng bà con trong hướng dẫn, đào tạo về sử dụng phân bón, nguồn nước đúng cách và áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất”, bà Võ Hoàng Nga cho hay. Và để làm được điều này, TTC Biên Hoà đã đầu tư hệ thống phòng nghiên cứu kiểm nghiệm mẫu đất và tư vấn cho nông dân để có thể sử dụng loại phân, số lượng ra sao cho phù hợp.
Với Husk, ông Nguyễn Tuấn Anh cũng nhận định, nguồn nguyên liệu trong nông nghiệp cho sản xuất Biochar khá dồi dào, như: Vỏ trấu, sợ dừa, bã cà phê, gỗ thừa… “Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam chưa nhìn thấy cơ hội đó”, ông Nguyễn Tuấn Anh nói.
Để giúp doanh nghiệp Việt nói chung, Husk nói riêng phát triển nhanh các dự án sản xuất tín chỉ carbon, ông Nguyễn Tuấn Anh đề nghị, cơ quan nhà nước đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống pháp lý cho thị trường carbon, cụ thể là sàn giao dịch carbon. Sau khi có khung pháp lý rồi, doanh nghiệp mong được chia sẻ, đào tạo để có thiểu sâu hơn, nắm vững quy trình và chủ động tham gia vào thị trường này.
Đồng tình với quan điểm này, bà Võ Hoàng Nga cũng nhìn nhận, tại Việt Nam các quy định về tín chỉ carbon vẫn rất mới, doanh nghiệp mong mỏi sớm có chính sách cụ thể để vận dụng. “TTC Biên Hoà không nằm trong danh mục bắt buộc tham gia sàn giao dịch carbon nhưng cũng muốn có cơ chế để có thể giao dịch tự nguyện”, bà Võ Hoàng Nga chia sẻ.
Trước phản ánh của doanh nghiệp, ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) thông tin sơ lược về lộ trình xây dựng và vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon thí điểm tại Việt Nam.
Theo đó, giai đoạn thí điểm từ tháng 6/2025 cho đến hết năm 2028, tập trung vào các cơ sở phát thải lớn trong ba lĩnh vực trọng điểm: Sắt thép, xi măng và nhiệt điện. Đây là bước đi đầu tiên để tạo nền móng cho thị trường carbon Việt Nam. Song song với đó, thiết lập hệ thống quản lý hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon, từ khâu cấp phát đến giao dịch, đảm bảo liên thông với các tiêu chuẩn quốc tế.
Hiện, Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng Nghị định về hoạt động của sàn giao dịch carbon, dự kiến trình Chính phủ và ban hành trong tháng 6/2025. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để vận hành thí điểm sàn đến năm 2028.
Về trao đổi carbon quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đang xây dựng Nghị định hướng dẫn thực hiện Điều 139 Luật Bảo vệ môi trường 2020, nhằm cho phép giao dịch tín chỉ carbon xuyên biên giới theo các cơ chế của Thỏa thuận Paris.
“Chúng tôi kỳ vọng đến năm 2029 có thể vận hành chính thức thị trường, có khả năng kết nối với các hệ thống giao dịch quốc tế như EU ETS, Hàn Quốc hay Trung Quốc”, ông Tăng Thế Cường nói.
Sàn giao dịch carbon đang được các đơn vị chức năng xây dựng cơ chế, sớm đi vào vận hành. Kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội tham gia vào thị trường tỷ đô này cho doanh nghiệp. |
Đường dẫn bài viết: https://giaothuong.congthuong.vn/thi-truong-carbon-canh-cua-ty-do-da-mo-383489.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Chuyên trang Cơ hội Giao thương - Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.