22:13 | 09/04/2025
Giá cà phê Robusta vẫn neo ở vùng giá cao lịch sử Canh tác mới: Cà phê, hồ tiêu tiến hay lùi? Gia Lai Coffee Festival đặt mục tiêu thu hút 10.000 lượt khách |
Từ nông trại đến ly cà phê
Gia Lai có khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng, tạo nên vùng đất đỏ bazan phù hợp với các giống cây trồng chủ lực, đặc biệt là cà phê. Hiện nay, cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai với diện tích hiện có trên 105.000ha trải rộng ở 10 huyện, thành phố, gần 60.000ha cà phê được sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, 4C, organic...
![]() |
Cà phê là cây trồng chủ lực của bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại Gia Lai (Ảnh: VGP) |
Cà phê Gia Lai chủ yếu là giống Robusta với năng suất hơn 3,9 tấn/ha, sản lượng hơn 400.000 tấn/năm. Năm 2024, cà phê tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu trong các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai với sản lượng 210.000 tấn, kim ngạch đạt 620 triệu USD, tăng 26,53% so với năm trước và thị trường xuất khẩu được mở rộng ra 50 quốc gia. Cà phê là sản phẩm chủ lực của bà con đồng bào dân tộc thiểu số Ba na, Ê đê của tỉnh Gia Lai, là sản phẩm giúp bà con thoát nghèo.
Để quảng bá cho hạt cà phê Gia Lai, Gia Lai Coffee Festival lần thứ 2 sẽ tiếp tục được tổ chức với diện mạo mới, quy mô lớn hơn, sâu sắc hơn và mang tầm vóc vươn ra thế giới. Không chỉ là lễ hội quảng bá cà phê, đây còn là sân chơi kết nối hệ sinh thái ngành hàng, truyền cảm hứng khởi nghiệp và đặt nền móng cho tương lai bền vững của hạt cà phê Robusta Gia Lai.
Tại buổi họp báo sự kiện Gia Lai Coffee Festival 2025 diễn ra ngày 9/4, đại diện ban tổ chức sự kiện cho biết, trở lại sau hai năm, Gia Lai Coffee Festival 2025 sẽ diễn ra trong hai ngày 30/4 - 1/5/2025 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku – đúng dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam. Sự kiện mang chủ đề:
“Cà phê Gia Lai – từ địa phương ra quốc tế”, thể hiện tham vọng đưa cà phê Gia Lai gia nhập bản đồ cà phê đặc sản toàn cầu.
Sự kiện dự kiến quy tụ trên 100 gian hàng của các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp rang xay – pha chế cà phê, các start-up, tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây sẽ là cơ hội để giới thiệu toàn diện về chuỗi giá trị cà phê Fine Robusta Gia Lai – từ hạt giống, vùng nguyên liệu, công nghệ chế biến, đến kỹ thuật rang xay, pha chế và trải nghiệm thưởng thức.
Điểm nổi bật của lễ hội 2025 là hệ thống hoạt động trải nghiệm và hội thảo sâu rộng. Cụ thể là trải nghiệm cupping & chiết xuất khi khách mời và người tiêu dùng sẽ được thử nếm các mẫu cà phê theo chuẩn quốc tế, học cách pha chế bằng V60, Chemex, Cold Brew...
Bên cạnh đó, sân chơi thi đấu Barista Teamwork nâng cấp là sân chơi cho các đội pha chế chuyên nghiệp từ nhiều tỉnh, thành với các bài thi sáng tạo. Các Workshop chuyên đề sẽ chia sẻ chiến lược xây dựng thương hiệu cà phê vùng miền, phát triển thị trường ngách cho cà phê Việt trên toàn cầu.
![]() |
Hạt cà phê Gia Lai có chất lượng rất tốt (Ảnh minh hoạ) |
Đặc biệt, không gian "from farm to cup" sẽ tái hiện hành trình của hạt cà phê từ trang trại tới quầy bar cà phê. Gian hàng trưng bày Fine Robusta Gia Lai là nơi giới thiệu ấn phẩm, dụng cụ, sách chuyên ngành và các dòng sản phẩm tiêu biểu.
Theo Ban Tổ chức, Gia Lai Coffee Festival 2025 được định hướng trở thành lễ hội cà phê cấp vùng quy mô quốc gia, góp phần khẳng định vị thế vùng nguyên liệu Robusta chất lượng cao. Bên cạnh đó, thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu cà phê. Kết nối doanh nghiệp – nhà khoa học – nông dân trong chuỗi giá trị. Từ đó hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ngành cà phê Gia Lai.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm – đại diện Ban tổ chức chia sẻ, chúng tôi muốn cà phê Gia Lai không chỉ dừng lại ở thị trường nội địa, mà phải có chỗ đứng xứng đáng trong dòng chảy cà phê đặc sản thế giới. Không ai kể câu chuyện cà phê của mình hay hơn chính người Gia Lai”.
Điểm khởi đầu từ sự kiện năm 2023
Gia Lai Coffee Festival lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 9/2023, mang chủ đề “Gia Lai - vùng nguyên liệu chất lượng cao”. Sự kiện khi ấy được xem là bước khởi động cần thiết để đánh thức tiềm năng cà phê Gia Lai – một vùng nguyên liệu giàu bản sắc nhưng chưa được khai thác đúng tầm.
![]() |
Gia Lai Coffee Festival lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 9/2023 (Ảnh: Trần Dung) |
Dù quy mô còn khiêm tốn với gần 30 đơn vị tham gia, lễ hội đã để lại dấu ấn mạnh mẽ. Hơn 1.000 lượt khách tham quan trải nghiệm các hoạt động như: rang xay thủ công, thử nếm (cupping), thi pha chế Barista Teamwork và giao lưu với các hộ nông dân trồng cà phê.
Thông qua đó, hạt cà phê Gia Lai – nhất là dòng Robusta chế biến ướt – bắt đầu được định vị là “nguyên liệu sạch, chất lượng cao” trong chuỗi cung ứng cà phê đặc sản nội địa.
Gia Lai hiện có hơn 94.000 ha cà phê, sản lượng trên 260.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu tại các huyện: Ia Grai, Chư Prông, Đắk Đoa, Mang Yang... Hơn 90% là cà phê Robusta, trong đó một phần đang được chuyển đổi sang chế biến ướt, sơ chế theo tiêu chuẩn cao.
Sự kiện năm 2025 sẽ là bệ phóng để tỉnh nhà định vị thương hiệu Fine Robusta Gia Lai, hướng tới việc xây dựng chỉ dẫn địa lý, tiêu chuẩn hóa sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu vào các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Hoa Kỳ.
Cà phê Gia Lai không chỉ mang trong mình vị đậm, hậu ngọt mà còn chất chứa văn hóa của vùng đất bazan đỏ lửa. Gia Lai Coffee Festival 2025 là cơ hội vàng để kể một câu chuyện tử tế, chân thật, giàu bản sắc – và viết tiếp giấc mơ chinh phục thế giới bằng chính hạt cà phê quê nhà.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Chuyên gia kinh tế Lương Văn Tự - nguyên Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN; nguyên Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam chia sẻ, Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê Robusta đứng đầu thế giới. Trong đó Gia Lai là một trong những vùng trồng cà phê tiêu biểu.
Trong những năm vừa qua, chất lượng cà phê Việt Nam đã được chú ý và được nâng lên rất nhiều. Chính vì vậy, các doanh nghiệp rang xay đã sử dụng rất nhiều cà phê Robusta Việt Nam để chế biến trước khi xuất khẩu. Việc tăng chế biến đã và đang giúp nâng cao giá trị cà phê Việt Nam trên thị trường, cũng giúp cải thiện đời sống của bà con, đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và trồng cà phê.
Bên cạnh đó, việc quảng bá cà phê thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại cũng giúp cà phê Việt Nam ngày càng được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến.
Với tiêu chí "from farm to cup" (từ nông trại đến ly cà phê), Gia Lai Coffee Festival đã tạo mối liên kết chặt chẽ giữa người nông dân, nhà rang xay, chủ quán cà phê, người pha chế và người tiêu dùng. Sự kiện không chỉ là nơi quảng bá sản phẩm cà phê đặc trưng của Gia Lai mà còn là cơ hội để các bên liên quan trong chuỗi giá trị cà phê gặp gỡ, trao đổi và hợp tác. |
Đường dẫn bài viết: https://giaothuong.congthuong.vn/gia-lai-coffee-festival-2025-hat-ca-phe-vung-cao-va-hanh-trinh-chinh-phuc-the-gioi-382278.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Chuyên trang Cơ hội Giao thương - Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.