16:32 | 13/03/2025
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu chè của cả nước đạt 17,33 nghìn tấn, trị giá 28,31 triệu USD, giảm 1,3% về lượng và giảm 2,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024.
Các thị trường có kim ngạch xuất khẩu chè tăng trong 2 tháng qua phải kể đến: Indonesia, Trung Quốc, Ấn Độ, Ả rập Xê út... nhưng lại giảm ở một số thị trường trọng điểm như: Pakistan, Hoa Kỳ, Malaysia...
Dù xuất khẩu chè giảm về lượng, nhưng hiện tại Việt Nam đã trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu chè đứng thứ 5 trên thế giới, xuất khẩu tới 74 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo đánh giá của các chuyên gia và người tiêu dùng quốc tế, chất lượng sản phẩm chè Việt Nam không thua kém bất kỳ quốc gia sản xuất chè nào trên thế giới. Đặc biệt, nhiều sản phẩm chè xanh Việt Nam được rất nhiều khách hàng đánh giá cao như: chè xanh Mộc Châu, Thái Nguyên, Suối Giàng, Hà Giang, Ô long Lâm Đồng, các sản phẩm chè ướp hương sen, nhài...
![]() |
Chất lượng sản phẩm chè Việt Nam không thua kém bất kỳ quốc gia sản xuất chè nào trên thế giới. Ảnh: Hưng Thịnh |
Đáng chú ý, trong số các thị trường xuất khẩu chè chủ lực của Việt Nam, Vương quốc Anh đang nổi lên như một điểm sáng. Thống kê cho thấy, năm 2024, Việt Nam là thị trường cung cấp chè lớn thứ 14 cho Vương quốc Anh, đạt 994 tấn, trị giá 2,01 triệu USD, tăng đến 356% về lượng và tăng 143,2% về trị giá so với năm 2023.
Đặc biệt, thị phần chè Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu chè của Vương quốc Anh chiếm 0,85%, cao hơn so với mức 0,22% của năm 2023. Như vậy, năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam sang Anh tăng khá mạnh so với 2023, nhưng mới chiếm thị phần nhỏ trong tổng nhập khẩu của Anh. Vì vậy, Vương quốc Anh cũng là thị trường rất tiềm năng để chè của Việt Nam có cơ hội mở rộng xuất khẩu trong thời gian tới.
Phân tích rõ hơn, bà Hoàng Lê Hằng - Bí thư thứ nhất Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh cho biết, kể từ khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam được gia tăng lợi thế cạnh tranh tại thị trường này so với sản phẩm có xuất xứ từ các nước chưa có FTA với Anh.
Riêng đối với sản phẩm chè của Việt Nam, bà Hoàng Lê Hằng phân tích, điểm mạnh của Việt Nam là thổ nhưỡng khí hậu rất phù hợp sự phát triển của cây chè với nhiều vùng chè đặc sản, chất lượng cao. Chính vì vậy, Vương quốc Anh ưa chuộng nhập khẩu chè xanh từ Việt Nam.
![]() |
Cơ hội xuất khẩu chè sang Vương quốc Anh rất rộng mở, song thách thức thì không ít. Ảnh: Phạm Đức Minh |
Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tươi và nông sản Việt Nam thành công sang thị trường Vương quốc Anh, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần R.Y.B cho biết, từ những năm 2023, R.Y.B đã phối hợp thực hiện chào hàng hơn 30 sản phẩm chủ lực, đặc sản của các tỉnh thành phố phía Bắc đến Anh quốc.
Và nhiều sản phẩm đã nhận được phản hồi tích cực từ phía khách hàng và thời điểm đó đã có đến 10 sản phẩm tiêu biểu, đáp ứng được tiêu chuẩn, chất lượng để xuất khẩu sang Anh, trong đó có nhiều sản phẩm chè: chè xanh của Hợp tác xã sản xuất chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng (huyện Trấn Yên, Yên Bái); diệp trà và hồng trà Shan tuyết của Hợp tác xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn, Yên Bái)...
Chia sẻ kinh nghiệm khi đưa sản phẩm nông sản thâm nhập thành công thị trường Anh, bà Hương cho biết, R.Y.B lựa chọn xuất khẩu sản phẩm đặc sản của các tỉnh, thành phố như: Bưởi đỏ Tân Lạc, cam Cao Phong, chè Shan tuyết... Như vậy, xuất khẩu sản phẩm sẽ gắn liền với xuất khẩu thương hiệu vùng miền và thậm chí là thương hiệu quốc gia.
Dù có nhiều lợi thế để gia tăng xuất khẩu sản phẩm nông sản trong đó có sản phẩm chè sang Vương quốc Anh, song theo lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, nhiều sản phẩm chè nổi tiếng của Việt Nam khi xuất khẩu sang nước ngoài lại không mang thương hiệu Việt.
“Phần lớn chè vẫn xuất khẩu thô, chưa có thương hiệu mạnh, trong khi hoạt động quảng bá cho chè Việt Nam cũng còn rất hạn chế” - Cục Xuất nhập khẩu chỉ rõ nguyên nhân.
Chung quan điểm, bà Hoàng Lê Hằng cũng cho rằng, nhiều loại sản phẩm từ quần áo, giày dép, dụng cụ, thiết bị “made in Viet Nam” hoặc thực phẩm, rau quả “farm in Viet Nam” đã được bày bán tại các chuỗi siêu thị lớn, có uy tín lâu năm ở Vương quốc Anh. Tuy nhiên vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp xây dựng và khẳng định được uy tín, thương hiệu tại Anh mà vẫn phải sử dụng thương hiệu của nhà phân phối tại đây.
Nguyên nhân là do thị trường Anh có yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng rất cao. Từ yêu cầu sản xuất thân thiện với môi trường, đến luật chống mất rừng và suy thoái rừng... Không những vậy, xu hướng sản phẩm ăn kiêng tại thị trường Anh ngày càng phổ biến khiến cho việc sản xuất và cung ứng thực phẩm nông sản ngày càng khó khăn hơn.
Ở trong nước, từ góc độ doanh nghiệp, thách thức lớn nhất khi xuất khẩu chè cũng như nhiều sản phẩm nông sản khác của Việt Nam sang Vương quốc Anh đó là chất lượng, sự đồng đều về chất lượng.
“Miền Bắc chưa được chuyên môn hóa về vùng trồng, nếu xuất khẩu lượng lớn thì rất khó đạt được sự đồng đều về chất lượng. Bởi mỗi nhà vườn, mỗi vùng trồng lại có những phương thức trồng, chăm sóc khác nhau” - Giám đốc Công ty Cổ phần R.Y.B nêu thực tế và kiến nghị, các cơ quan chức năng liên quan hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, xúc tiến thương mại với thị trường Vương quốc Anh tốt hơn, bởi đây là thị trường rất tiềm năng cho nông sản Việt.
Khuyến nghị cho doanh nghiệp xuất khẩu, bà Hoàng Lê Hằng khuyến cáo, doanh nghiệp cần chú trọng hơn đến công tác xây dựng thương hiệu sản phẩm, ngành hàng, nhất là đối với hàng nông sản, trong đó có sản phẩm chè xanh của Việt Nam.
Đồng thời, tăng cường quảng bá thương hiệu chè Việt Nam tại thị trường Vương quốc Anh thông qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm chè uy tín để giới thiệu sản phẩm và kết nối với đối tác tiềm năng.
Trong khi đó, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cũng cho rằng, ngành chè cần tập trung phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chế biến sâu, sản phẩm tinh chế cao cấp, được sử dụng trong các ngành thực phẩm, dược phẩm hoặc mỹ phẩm.
Cùng với đó, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu chè cũng cần tiếp tục đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm chè để chinh phục những thị trường khó tính.chè của Việt Nam có cơ hội mở rộng xuất khẩu trong thời gian tới.
Về giá xuất khẩu, tính chung 2 tháng đầu năm 2025, giá bình quân chè xuất khẩu đạt 1.633 USD/tấn, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2024. Hiện giá bình quân chè xuất khẩu của nước ta chỉ bằng khoảng 65% so với mức giá bình quân của thế giới và thấp hơn nhiều so với giá bình quân xuất khẩu chè của Ấn Độ và SriLanka. Nguyên nhân bởi phần lớn chè xuất khẩu của Việt Nam là hàng thô, chưa qua chế biến sâu, đóng gói đơn giản, thiếu nhãn mác, thương hiệu rõ ràng. |
Đường dẫn bài viết: https://giaothuong.congthuong.vn/xuat-khau-che-sang-anh-chat-luong-chua-dong-deu-378114.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Chuyên trang Cơ hội Giao thương - Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.