20:45 | 04/03/2025
Xử lý tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới gặp khó Đề xuất nhiều giải pháp tăng cường quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới Lập 'trật tự' kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử |
Tranh chấp tiêu dùng ngày càng phức tạp
Bảo vệ người tiêu dùng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển. Xét về mặt kinh tế, tiêu dùng là một khâu trong quá trình tái sản xuất, là mục đích và điều kiện tiên quyết của sản xuất. Bảo vệ người tiêu dùng thực chất là bảo vệ sản xuất, bảo đảm cho sản xuất phát triển hiệu quả và đúng hướng. Xét về mặt xã hội, người tiêu dùng là tất cả chúng ta, là trung tâm của các mối quan hệ về sự phát triển bền vững, toàn diện, bảo đảm cho mọi người được sống hạnh phúc và lành mạnh.
Một trong những hoạt động quan trọng trong công tác bảo vệ người tiêu dùng là giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh nhằm giúp người tiêu dùng bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình khi phát hiện quyền lợi bị vi phạm. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số “digital economy” đang làm đổi thay căn bản hoạt động kinh doanh - tiêu dùng của người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên thị trường.
![]() |
Sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới đặt ra các vấn đề về giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới. Ảnh: Thanh Thư |
Cùng với đó, sự hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, bùng nổ thương mại điện tử xuyên biên giới, đa quốc gia dẫn tới sự gia tăng và tính chất phức tạp của các tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới. Tại “Nghiên cứu đề xuất giải pháp giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới giữa Việt Nam với các nước ASEAN” do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia công bố mới đây cho thấy, mặc dù Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam bước đầu đã thụ lý và giải quyết các khiếu nại tiêu dùng xuyên biên giới của người tiêu dùng. Cụ thể, tại cấp trung ương là Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và địa phương là các tỉnh có đường biên giới chung với các nước bạn như: Lào Cai, Quảng Ninh...
Tuy nhiên, thực trạng giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới giữa Việt Nam và các nước ASEAN thời gian qua còn nhiều tồn tại và hạn chế. Cụ thể, là những tồn tại, hạn chế liên quan đến quy định pháp luật; về năng lực thực thi của các cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng; về triển khai việc thực thi các cơ chế giải quyết tranh chấp; về ngôn ngữ; về việc thu thập chứng cứ, đặc biệt chứng cứ điện tử…
3 giải pháp giải quyết tranh chấp
Từ thực trạng đó, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia đề xuất 3 giải pháp giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới giữa Việt Nam với một số nước ASEAN.
Thứ nhất, thúc đẩy nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tiến hành đàm phán, xây dựng cơ chế hợp tác song phương với các quốc gia trong ASEAN trong giải quyết tranh chấp triêu dùng xuyên biên giới.
Cụ thể, ký cam kết, đặc biệt là Biên bản ghi nhớ (MOU) một hình thức hợp tác điển hình và rất hiệu quả trong việc giải quyết khiếu nại xuyên biên giới. “Trong phạm vi liên quan, MOU là cam kết giữa 2 cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của 2 quốc gia, bao gồm các điều khoản hợp tác về giải quyết khiếu nại trong trường hợp phát sinh tranh chấp giữa người tiêu dùng nước A và doanh nghiệp nước B và ngược lại” - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho hay.
Thứ hai, thúc đẩy nghiên cứu, đàm phán, thực hiện các cam kết về bảo vệ người tiêu dùng trong các Hiệp định thương mại tự do đa phương. Theo đó, một số cơ chế đặc thù đang được áp dụng để giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới ở Việt Nam cần được vận dụng hiệu quả cũng như tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cùng các quốc gia thành viên như: Các Hiệp định thương mại tự do (FTA), bởi đây là Hiệp ước thương mại giữa hai hoặc nhiều quốc gia. Theo đó, các nước sẽ tiến hành theo lộ trình việc cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan cũng như phi thuế quan nhằm tiến tới việc thành lập một khu vực mậu dịch tự do.
Thứ ba, thúc đẩy nghiên cứu áp dụng app giải quyết tranh chấp xuyên biên giới theo mô hình giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR) của các nước Châu Âu có thể áp dụng trong khu vực ASEAN. Trong đó, app cần đáp ứng tiêu chí: Xây dựng nền tảng công nghệ dễ tiếp cận cho các thiết bị khác nhau; mẫu đơn khiếu nại có thể hoàn thành trong ba bước đơn giản là điền thông tin vụ việc, gửi vụ việc, theo dõi tiến trình vụ việc; xây dựng nền tảng công nghệ thuận tiện cho người khiếu nại hoàn thiện tất cả các thủ tục của quá trình khiếu nại qua mạng; nền tảng công nghệ đa ngôn ngữ, có phần mền hỗ trợ cho công dân các nước khác nhau có thể sử dụng ngôn ngữ của quốc gia mình để khiếu nại.
Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, quy định về các phương thức giải quyết tranh chấp tiêu dùng ở Việt Nam đã được quy định khá chi tiết trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Về mặt các phương thức giải quyết tranh chấp tiêu dùng của Việt Nam cũng tương đồng như các phương thức giải quyết tranh chấp tiêu dùng của các quốc gia trên thế giới như: thương lượng, hòa giải, trọng tài, tòa án. |
Đường dẫn bài viết: https://giaothuong.congthuong.vn/xay-dung-app-giai-quyet-tranh-chap-tieu-dung-xuyen-bien-gioi-376757.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Chuyên trang Cơ hội Giao thương - Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.