16:26 | 24/02/2025
DBFOOD: Sản phẩm OCOP 4 sao 'kết tinh' từ dược liệu quý Vĩnh Phúc: Đổi mới xúc tiến thương mại, thúc đẩy tăng trưởng |
Thích ứng xu hướng mua sắm trực tuyến
Nhìn từ Đề án phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 và tìm hiểu thực tế tại hệ thống các cửa hàng điện máy như Media mart, HC, Điện máy xanh, Thế giới di động… hay các siêu thị như Go! Vĩnh Phúc, Co.op mart Vĩnh Phúc cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều xây dựng các website, fanpage trên Facebook, OA trên Zalo… để giới thiệu sản phẩm, tiếp cận với khách hàng, phục vụ kinh doanh.
Khi xuất hiện các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo… các doanh nghiệp cũng nhanh chóng mở các gian hàng để đón đầu xu hướng mua sắm trực tuyến. Theo thống kê của các siêu thị điện máy lớn có hệ thống phân phối trên toàn quốc, doanh số bán hàng trực tuyến chiếm tỷ trọng trên 45% so với hình thức mua sắm trực tiếp.
![]() |
Phát triển thương mại điện tử ở Vĩnh Phúc tăng trưởng nhanh, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Ảnh: Thu Thủy |
Đơn cử như Chi nhánh Media mart Vĩnh Phúc, với 8 điểm bán hàng trên toàn tỉnh, ngoài các website chung của toàn hệ thống, mỗi điểm bán hàng đều lập fanpage trên Facebook, kênh Tiktok và OA Zalo riêng để phục vụ cho việc bán hàng trực tuyến.
Ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Chi nhánh Media mart Vĩnh Phúc cho biết: “Vĩnh Phúc là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, lực lượng công nhân, người lao động trẻ tuổi, tiếp cận nhiều với công nghệ thông tin, đây là một trong những nhóm khách hàng chính của chúng tôi. Đón đầu xu thế mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến và tăng cao, chi nhánh đã chủ động tiếp cận với khách hàng, giao dịch, tư vấn khách hàng bằng các hình thức trực tuyến. Hiện nay, mỗi tháng, doanh số bán hàng trực tuyến đã chiếm từ 40 - 45% tổng doanh số của chi nhánh và con số này sẽ tiếp tục tăng cao”.
![]() |
Hợp tác xã Nấm Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đạt doanh số cao nhờ áp dụng các hình thức bán hàng trực tuyến. Ảnh: Thu Thủy |
Không nằm ngoài xu thế đó, các đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc cũng sớm bắt nhịp với các hình thức bán hàng trực tuyến. Công ty Ong Tam Đảo; Công ty Cổ phần Du lịch và Thương mại Tsubame; Công ty Quế Lâm Phương Bắc; Hợp tác xã Nấm Tam Đảo… đã coi các sàn thương mại điện tử, các hình thức bán hàng trực tuyến là phương thức kinh doanh hiệu quả, tạo dựng các fanpage, gian hàng trên Shopee và tạo các website riêng. Nhờ vậy, doanh số bán hàng qua các nền tảng trực tuyến đã chiếm từ 30 - 50% tổng doanh số.
Tăng trưởng nhanh và bền vững
Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hiện phần lớn người dân Vĩnh Phúc cũng đã tiếp cận, sử dụng thành thạo các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo... và các mạng xã hội như Youtube, Facebook, Zalo, Instagram, Tiktok, Twitter… để mua, bán hàng hóa. Phương thức thanh toán qua tài khoản hoặc các ví điện tử như: Momo, VNPay, Zalo Pay hay Viettel Money đã được tiếp cận, khai thác và sử dụng rộng rãi trong thanh toán trực tuyến và trực tiếp.
Đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã hình thành một sàn thương mại điện tử (Sàn giao dịch Công nghệ và thiết bị trực tuyến tỉnh Vĩnh Phúc có địa chỉ tại https://vptex.vn/), đây là sàn thương mại điện tử chuyên về máy móc, công nghệ và thiết bị, với hơn 2.000 doanh nghiệp tham gia (chiếm gần 30% số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh).
![]() |
Công ty Quế Lâm Phương Bắc (Vĩnh Phúc) - một trong những doanh nghiệp năng động sớm áp dụng hình thức bán hàng trực tuyến cho hiệu quả kinh doanh. Ảnh: Thu Thủy |
Thực tế cho thấy, phát triển thương mại điện tử ở Vĩnh Phúc tăng trưởng nhanh trong thời gian qua, bước đầu đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, song, theo thông tin ghi nhận được từ các doanh nghiệp trên địa bàn, hoạt động xúc tiến hàng hóa qua nền tảng số còn bộc lộ một số bất cập. Nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng chiến lược, chưa đầu tư thích đáng để khai thác các ứng dụng thương mại điện tử theo chiều sâu, chưa bắt kịp những tiến bộ công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Bên cạnh đó, hệ sinh thái cho thương mại điện tử bao gồm dịch vụ thanh toán, logistics và các dịch vụ phụ trợ vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Hạ tầng, chất lượng vận chuyển, thời gian vận chuyển, thủ tục thông quan, chi phí, các dịch vụ theo dõi và truy xuất đơn hàng vẫn chưa phát triển đồng bộ và còn bộc lộ nhiều hạn chế.
Cùng với đó, sự tăng trưởng nóng của thị trường thương mại điện tử dẫn đến hệ lụy là các hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng xuất hiện ngày càng nhiều trên môi trường điện tử…
Để tiếp tục thúc đẩy thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh phát triển đồng bộ, khắc phục nhanh những bất cập, tạo môi trường thương mại điện tử đáp ứng tốt nhu cầu người dân, doanh nghiệp, tạo đột phá mới cho sự tăng trưởng, UBND tỉnh đã ban hành Đề án phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030. Với mục tiêu xây dựng thị trường thương mại điện tử của tỉnh phát triển nhanh, lành mạnh, có tính cạnh tranh và bền vững trong nền kinh tế số; xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa Vĩnh Phúc trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn của quốc gia và quốc tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế xã hội, tạo tiền đề vững chắc để tham gia vào thị trường thương mại quốc tế.
Đến năm 2025, Vĩnh Phúc phấn đấu là tỉnh có thị trường thương mại điện tử phát triển, chỉ số thương mại điện tử duy trì thuộc nhóm 15 tỉnh dẫn đầu của cả nước. Phấn đấu đến năm 2030, chỉ số thương mại điện tử thuộc nhóm 10 tỉnh dẫn đầu của cả nước. |
Đường dẫn bài viết: https://giaothuong.congthuong.vn/nhieu-doanh-nghiep-tang-truong-doanh-thu-nho-thuong-mai-dien-tu-375083.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Chuyên trang Cơ hội Giao thương - Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.