15:55 | 20/02/2025
Bảo đảm an sinh xã hội
Tại tỉnh Hòa Bình, mới đây, Sở Công Thương đã khai trương mô hình thương mại hai chiều nhằm tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại chợ Phú Lương (xã Quyết Thắng, huyện Lạc Sơn).
Mô hình thương mại hai chiều tại xã Quyết Thắng vừa là điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm hàng hóa của tỉnh Hòa Bình và là điểm cung cấp hàng hóa dịch vụ thiết yếu phục vụ nhu cầu của đồng bào dân tộc thiểu số với chất lượng tốt, giá cả phù hợp.
![]() |
Mô hình thương mại hai chiều tại Hòa Bình. Ảnh Phương Linh |
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024, Sở Công Thương Hòa Bình đã khảo sát, lựa chọn hỗ trợ xây dựng mô hình thương mại hai chiều nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại hộ kinh doanh Bùi Văn Thản (ở chợ Phú Lương, xã Quyết Thắng, huyện Lạc Sơn) và hộ kinh doanh Bùi Văn Trơn (ở xóm Cầu, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi).
Theo đó, hộ anh Bùi Văn Trơn được hỗ trợ trực tiếp trang thiết bị xây dựng điểm bán như biển hiệu, giá, kệ hàng, thiết bị bán hàng đảm bảo đúng thông số kỹ thuật, chất lượng; hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá mô hình, sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thông qua tờ gấp, băng rôn, khẩu hiệu; hỗ trợ tổ chức hội nghị kết nối các sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Anh Bùi Văn Trơn cho biết, với việc hỗ trợ này đã giúp các hộ sản xuất nông sản có kênh giới thiệu và bán sản phẩm, kết nối cung cầu thị trường. Qua đó thúc đẩy tiêu thụ nông sản của người dân trên địa bàn thuận lợi, các hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng tiếp cận được với những mặt hàng chất lượng, giá cả bình ổn.
Còn với hộ kinh doanh của anh Bùi Văn Thản, Sở Công Thương Hòa Bình hỗ trợ Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Phú Lương xây dựng mô hình thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với các sản phẩm như ớt rẽ, miến dong, dược liệu...; đồng thời cung ứng những mặt hàng thiết yếu cho địa phương như hàng tạp hóa, vật tư nông nghiệp... phục vụ sản xuất và tiêu dùng của người dân, đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội.
Sau khi đi vào hoạt động, mô hình sẽ tiếp tục mở rộng danh mục sản phẩm có chất lượng cao của các địa phương trong tỉnh; đồng thời hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ đưa sản phẩm nông sản của huyện Lạc Sơn nói riêng và tỉnh Hoà Bình nói chung mở rộng ra thị trường ngoài tỉnh, triển khai thực hiện có hiệu quả, đúng mục tiêu chương trình đề ra.
Trước đó, tại một số tỉnh miền núi cũng đẩy mạnh xây dựng mô hình thương mại hai chiều, như Quảng Trị, Tuyên Quang…
Theo Sở Công Thương Tuyên Quang, mô hình thương mại hai chiều tại địa phương mới triển khai nhưng bước đầu đã được người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đón nhận tích cực. Kết nối cung cầu địa phương với địa phương, doanh nghiệp với doanh nghiệp, hàng hóa được lưu thông thuận lợi theo hai chiều, góp phần tăng tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống, cơ sở bán buôn, bán lẻ.
![]() |
Kiểm tra các mặt hàng bày bán tại huyện Lạc Sơn (Hòa Bình). Ảnh: Phương Linh |
Ở những địa phương khác, việc xây dựng mô hình thương mại hai chiều cũng góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, chế biến; nhiều sản phẩm hàng hóa tốt được kiểm soát về an toàn thực phẩm khi đưa ra thị trường. Đây là một bước tiến để sản phẩm, hàng hóa vùng miền của đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội trong các kênh tiêu thụ.
Cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp
Thực tế, nhiều sản phẩm nông sản do đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất khá phong phú, tuy nhiên, hoạt động tiếp cận thị trường tiêu thụ của các cơ sở sản xuất thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn hạn chế.
Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, thời gian gần đây, hoạt động xúc tiến thương mại ngày càng được quan tâm thực hiện. Việc xây dựng mô hình thương mại hai chiều được nhiều địa phương đánh giá phù hợp, từ đó tạo điều kiện để đưa hàng hóa thiết yếu, nhất là sản phẩm đặc sản vùng, miền đến tay người tiêu dùng, góp phần cải thiện đời sống người dân địa phương.
Ví dụ tại hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông của tỉnh Quảng trị, bình quân mỗi năm, qua nhiều kênh phân phối, hơn 200.000 tấn nông sản được sản xuất trên địa bàn hai huyện miền núi nói trên được tiêu thụ trên thị trường. Kết quả này là sự nỗ lực của các cấp, ngành và sự đồng hành của doanh nghiệp.
Là một trong những doanh nghiệp được lựa chọn để triển khai xây dựng mô hình, thời gian qua, mỗi năm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hùng Anh (Khóm 2, thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông) thu mua từ người nông dân trên địa bàn khoảng 60 tấn nông sản, bao gồm 50 tấn các loại cây gia vị, dược liệu như gừng, sả, cây dược liệu và khoảng 10 tấn các loại cây lương thực có hạt như lạc, đậu xanh, đậu đen xanh lòng.
Từ các nông sản thu mua, hợp tác xã đã chế biến, đóng gói và tiêu thụ theo đúng quy định về chất lượng hàng hóa. Đặc biệt, đơn vị đã sản xuất được 4 sản phẩm trà dược liệu được chứng nhận đạt hạng OCOP 3 sao, 4 sao cấp tỉnh như trà Thạch Thiên Thảo, Tía Tô, Trinh Nữ, Diệp Thảo Đan.
![]() |
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hùng Anh giới thiệu các sản phẩm trà do hợp tác xã sản xuất. Ảnh: Phương Nam |
Điều này còn cho thấy, mô hình thương mại hai chiều không chỉ giúp bà con tiêu thụ sản phẩm mà còn hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp duy trì, mở rộng mạng lưới phân phối, thị trường tiêu thụ sản phẩm, trực tiếp giới thiệu quảng bá, bán sản phẩm đến người tiêu dùng vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.
Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả mô hình hơn nữa, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã cũng kiến nghị thời gian tới cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.
Trong đó, cần hỗ trợ công tác kiểm nghiệm để đánh giá tiêu chuẩn, chất lượng và an toàn thực phẩm của sản phẩm; hỗ trợ quy trình sản xuất sản phẩm đảm bảo sạch, an toàn, chất lượng để đáp ứng yêu cầu của nhà phân phối cũng như nhu cầu của người tiêu dùng; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu của các cơ sở, doanh nghiệp.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Có như vậy, đầu ra cho nông sản nói chung và khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng mới phát triển bền vững.
Xây dựng mô hình thương mại hai chiều tại nhiều địa phương đã góp phần tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như: Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, các sản phẩm đặc trưng; đồng thời cung ứng những mặt hàng thiết yếu cho địa phương như hàng tạp hóa, vật tư nông nghiệp... phục vụ sản xuất và tiêu dùng của đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội. |
Đường dẫn bài viết: https://giaothuong.congthuong.vn/ho-tro-tieu-thu-nong-san-vung-dong-bao-dan-toc-374820.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Chuyên trang Cơ hội Giao thương - Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.