16:44 | 19/02/2025
Đưa vào hoạt động 2 cụm công nghiệp trong quý I/2025, khởi động xây dựng khu công nghiệp Hòa Ninh
TP. Đà Nẵng hiện có 6 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích 1.160 ha, nhiều khu công nghiệp trong số đó tỷ lệ lấp đầy đã đạt 100%; chưa có cụm công nghiệp nào chính thức đi vào hoạt động.
Quỹ đất sản xuất công nghiệp eo hẹp được cho là nguyên nhân chính khiến công nghiệp Đà Nẵng tăng trưởng “èo ột” trong nhiều năm gần đây.
![]() |
TP. Đà Nẵng chính thức khởi động xây dựng khu công nghiệp Hòa Ninh hôm 18/2 |
Để thúc đẩy, tăng tỷ trọng công nghiệp trong GRDP thành phố, góp phần thực hiện mục tiêu kinh tế Đà Nẵng năm 2025 tăng trưởng ít nhất 10% so với năm 2024; đồng thời, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030 bình quân từ 11,5 – 12,5%/năm theo Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24/1/2029 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngay từ đầu năm 2025, TP. Đà Nẵng đã khởi động, đốc thúc xây dựng để sớm đưa vào hoạt động các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, tạo quỹ đất thu hút đầu tư vào phát triển sản xuất công nghiệp.
Mới đây nhất, ngày 18/2, UBND TP. Đà Nẵng đã chính thức khởi động dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Ninh quy mô hơn 400 ha. Dự án do công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ là chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư cho dự án là hơn 6.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án không quá 42 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất; thời gian vận hành Khu công nghiệp Hòa Ninh là 50 năm.
Theo Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh, dự án Khu công nghiệp Hòa Ninh là bước ngoặt quan trọng trong hành trình phát triển của Đà Nẵng. Đây là dự án đầu tư quy mô lớn, minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của Đà Nẵng trong việc thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp bền vững và tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Dự án được kỳ vọng sẽ thu hút các ngành công nghệ tiên tiến, góp phần hình thành hệ sinh thái các khu công nghiệp – công nghệ cao – khu thương mại tự do tại khu vực Tây Bắc, thúc đẩy chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp thành phố. “Dự án Khu công nghiệp Hòa Ninh là bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển Đà Nẵng thành trung tâm kinh tế - công nghiệp – thương mại của khu vực miền Trung và cả nước", Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh nói.
![]() |
TP. Đà Nẵng sẽ đưa vào hoạt động cụm công nghiệp Cẩm Lệ và Cụm Công nghiệp Hòa Liên trong quý I/2025 (Trong ảnh: Cụm công nghiệp Cẩm Lệ) |
Song song với khởi động khu công nghiệp Hòa Ninh, để giải quyết khó khăn về mặt bằng sản xuất và môi trường cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố, Đà Nẵng đang đẩy nhanh tiến độ, đưa vào hoạt động trong qúy I/2025 đối với 2 cụm công nghiệp gồm Cụm công nghiệp Cẩm Lệ (hơn 29ha) và Cụm Công nghiệp Hòa Liên (hơn 58,53 ha).
TP. Đà Nẵng còn cần làm gì?
Việc khởi động và quyết liệt đưa các khu, cụm công nghiệp sớm đi vào vận hành là tín hiệu rất tích cực cho công nghiệp Đà Nẵng nói riêng, kinh tế Đà Nẵng nói chung.
Tuy nhiên, để các dự án này sớm đi vào hoạt động, TP. Đà Nẵng sẽ còn nhiều việc phải làm.
![]() |
Giải phóng mặt bằng sẽ là bước đầu tiên và quan trọng để quyết định tiến độ hình thành Khu công nghiệp Hòa Ninh (Trong ảnh: Một góc thôn Hòa Trung, xã Hòa Ninh nơi triển khai dự án Khu Công nghiệp Hòa Ninh) |
Dự án Khu công nghiệp Hòa Ninh được UBND TP. Đà Nẵng giao sẽ hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng cơ bản trong 42 tháng kể từ ngày được giao đất. Để có mặt bằng sạch bàn giao cho chủ đầu tư, TP. Đà Nẵng phải đảm bảo thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng trong thời gian ngắn nhất.
Từ thực tế triển khai các dự án trên địa bàn thành phố cho thấy, rất nhiều dự án đã chậm tiến độ, bị kéo dài tiến độ do vướng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.
Tại lễ khởi động dự án, bà Nguyễn Thị Thảo Nhi – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ, Chủ đầu tư Dự án Khu Công nghiệp Hòa Ninh cũng đề nghị thành phố tạo điều kiện hỗ trợ, chỉ đạo đẩy nhanh công tác đền bù và giải phóng mặt bằng, nhất là trong bối cảnh các quy định pháp luật về đất đai mới được áp dụng. “Việc phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong việc xác định giá đất, bồi thường và tái định cư sẽ không chỉ bảo vệ quyền lợi của người dân mà còn giúp nhà đầu tư có thể hoàn thiện các thủ tục, đưa dự án sớm đi vào hoạt động”, bà Nguyễn Thị Thảo Nhi nói.
![]() |
TP. Đà Nẵng cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ hình thành các cụm công nghiệp để gỡ khó về mặt bằng cho doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa thành phố |
Đối với các cụm công nghiệp, mặc dù đã có 2 cụm công nghiệp sắp đưa vào vận hành, tuy nhiên, về diện tích so với thực tế nhu cầu sử dụng đất của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố thì còn khá hạn chế.
Thống kê chưa đầy đủ từ Sở Công Thương Đà Nẵng năm 2024, có khoảng hơn 900 doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động sản xuất trong các khu dân cư có nhu cầu muốn vào cụm công nghiệp để ổn định, mở rộng sản xuất với tổng diện tích đất khoảng hơn 200 ha. Trong khi đó, cụm công nghiệp Cẩm Lệ dù chưa chính thức đi vào hoạt động nhưng tỷ lệ lấp đầy đã đạt 100%.
Bên cạnh đó, tiêu chí đối tượng ưu tiên, ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư cũng là một khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố.
Để thu hút đầu tư, đáp ứng đủ nhu cầu mặt bằng sản xuất của nhà đầu tư trong nước, quốc tế và doanh nghiệp thành phố, TP. Đà Nẵng sẽ còn một “chặng đường” rất dài để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hình thành các khu, cụm công nghiệp.
TP. Đà Nẵng khởi động xây dựng Khu công nghiệp Hòa Ninh; quyết tâm đưa cụm công nghiệp Cẩm Lệ, cụm công nghiệp Hòa Liên đi vào vận hành trong quý I/2025. Đây là những tín hiệu tích cực để thành phố hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 trên 10% so với năm 2024, giải quyết "bài toán" thiếu mặt bằng sản xuất kéo dài. Tuy nhiên, Đà Nẵng cũng sẽ còn rất nhiều việc để làm để các khu, cụm công nghiệp chính thức đi vào hoạt động như giải phóng mặt bằng, quỹ đất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động sản xuất trong khu dân cư. |
Đường dẫn bài viết: https://giaothuong.congthuong.vn/them-quy-dat-cong-nghiep-da-nang-ky-vong-but-toc-374628.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Chuyên trang Cơ hội Giao thương - Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.