14:46 | 21/01/2025
Xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam sang Hàn Quốc tăng trưởng Bứt phá xuất nhập khẩu: Hải quan Nghệ An lập kỳ tích Châu Á - châu Phi: Thị trường xuất nhập khẩu chiến lược |
Doanh nghiệp lo lắng
Cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ theo Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan (Nghị định 08) đang được Bộ Tài chính sửa đổi, trong đó đề xuất bỏ cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ và quy định thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam (điểm c, khoản 1, điều 35).
Tuy nhiên, tại tọa đàm liên quan đến nội dung này do EuroCham tổ chức gần đây, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, thậm chí cả doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cũng bày tỏ nhiều lo lắng.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm- Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, hàng năm Việt Nam xuất 3,99 triệu tấn sợi, 3 triệu m2 vải.
![]() |
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam. Ảnh: Euro Cham |
Soi chiếu vào cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ, ông Cẩm nhấn mạnh, trường hợp sợi, vải sản xuất tại Việt Nam không được sử dụng vào sản xuất hàng xuất khẩu là sự lãng phí lớn. Nếu chỉ mua nguyên phụ liệu cắt may và xuất đi giá trị gia tăng đạt được rất thấp, không tận dụng được các hiệp định thương mại tự do (FTA) “Những năm qua, cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ đã tạo điều kiện cho công nghiệp phụ trợ của Việt Nam phát triển”, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam một lần nữa nhấn mạnh.
Đại diện cho ngành da giày, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cũng bày tỏ: Cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ đã thúc đẩy tăng trưởng tỷ lệ nội địa hoá của ngành. Trước kia, ngành nhập khẩu 70% nguyên phụ liệu cho sản xuất, nay giảm xuống, hiện đã tự chủ được khoảng 55%. “Cơ chế này giúp chuyển dịch chuỗi cung ứng vào Việt Nam rất tốt, không chỉ tạo việc làm mà giúp tăng giá trị gia tăng cho ngành”, bà Xuân khẳng định.
Trường hợp thay đổi cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ, bà Xuân cho rằng, sẽ khiến tăng chi phí cho doanh nghiệp, thời gian giao hàng tăng thêm 2-3 ngày nhưng con số này không dừng ở đó. Cùng đó, mất đi động lực thúc đẩy sản xuất nguyên phụ liệu trong nước.
Đại diện một doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất vải tại Việt Nam cũng cho hay, kinh doanh tại Việt Nam từ năm 2018, 90% sản phẩm được xuất cho các nhà máy sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, đáng nói 70% trong số này được xuất theo cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ. Nếu mất cơ chế này ngay lập tức dẫn tới tăng chi phí, kéo theo giá thành sản phẩm cao hơn.
Việt Nam hiện đang là lựa chọn thay thế cho Trung Quốc, doanh nghiệp nước ngoài đều mong muốn hiện diện tại Việt Nam. Do đó, nếu không giữ được cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ sẽ khó giữ được các nhà đầu tư.
Cần một cơ chế phù hợp
Theo ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Euro Cham, cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ đã chứng minh được tính quan trọng khi đã tồn tại khoảng 25 năm, góp phần phát triển chuỗi cung ứng trong nước. Xét về mặt con số, xuất nhập khẩu tại chỗ chiếm trên 18,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (số liệu hải quan năm 2022).
Cơ chế này cũng giúp giảm thời gian chờ và chi phí logistics toàn chuỗi cung ứng, từ đó tăng cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, tạo thuận lợi cho việc giao nhận, điều phối chuỗi cung ứng của thương nhân nước ngoài.
![]() |
Doanh nghiệp lo lắng mất cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ sẽ làm giảm động lực nội địa hóa nguyên vật liệu. Ảnh minh họa |
Không tạo thêm gánh nặng chi phí thuế cho tất cả các bên tham gia giao dịch, trong khi đó nhà nước vẫn đảm bảo kiểm soát được việc áp dụng ưu đãi thuế thông qua các thủ tục khai báo, kiểm tra, giám sát hải quan.
Với những lợi ích đó, ông Minh đề xuất, trong ngắn hạn, giữ nguyên quy định về xuất nhập khẩu tại chỗ, đồng thời mở rộng đối tượng áp dụng cho tất cả thương nhân nước ngoài, không phân biệt có hay không hiện diện tại Việt Nam. Cùng đó, mở rộng cho tất cả các loại hình giao dịch, không giới hạn chỉ là mua bán hay gia công.
Về dài hạn, chỉ thay thế cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ khi đảm bảo có cơ chế mới, giữ nguyên những ưu điểm và thuận lợi ở cơ chế này.
Trước phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, đại diện Tổng Cục hải quan cho hay, khi lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung sửa đổi Nghị định 08, Bộ Tư pháp nêu điểm c, khoản 1, điều 35 (chỉ có thương nhân không hiện diện tại Việt Nam mới được thực hiện được cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ) chưa có cơ sở vững chắc. Sau khi rà soát lại pháp luật quốc tế hoạt động này được xem là mua bán nội địa, chứ không được coi là xuất nhập khẩu và làm thủ tục hải quan.
Mặt khác, căn cứ Luật Thương mại, khái niệm về xuất nhập khẩu là hoạt động phải có sự dịch chuyển hàng hóa qua biên giới. Như vậy không có cơ sở để nhìn nhận cơ chế xuất nhập khẩu.
Với những lý do đó, theo đại diện Tổng Cục hải quan, đơn vị này đã báo cáo Bộ Tài chính và Chính phủ thống nhất bỏ điểm c, khoản 1, điều 35 và có 1 năm chuyển tiếp để doanh nghiệp chuẩn bị.
Tuy nhiên, khái niệm thương nhân không hiện diện được đưa ra tại Nghị định số 90/2007/NĐ-CP Quy định về quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam. Khái niệm này chỉ phục vụ để xác định quyền xuất khẩu và nhập khẩu, như vậy không bao hàm đối tượng quy định tại điểm điểm c, khoản 1, điều 35, Nghị định 08.
Như vậy có thể thấy, mấu chốt phát sinh ở đây là sự chưa xác định rõ ràng thế nào là thương nhân không hiện diện tại Việt Nam để thực hiện cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ.
Trước vướng mắc này các chuyên gia cho rằng, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cùng các đơn vị liên quan cùng bắt tay điều chỉnh hoặc soạn ra cơ chế phù hợp, dung hoà được các vướng mắc nhằm tiếp tục phát huy cơ chế này. Các chuyên gia cũng nhìn nhận, cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ đã chứng minh được tính hữu hiệu, do đó đây là chính sách tốt cần được duy trì.
Sau 25 năm vận hành cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ đã tạo được sự chuyển mình mạnh mẽ cho công nghiệp hỗ trợ của một số ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu phát triển, từ đó tăng tỷ lệ nội địa hóa, gia tăng giá trị. |
Đường dẫn bài viết: https://giaothuong.congthuong.vn/doanh-nghiep-lo-mat-co-che-xuat-nhap-khau-tai-cho-370618.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Chuyên trang Cơ hội Giao thương - Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.