10:17 | 21/01/2025
Liên minh châu Âu gỡ bỏ kiểm soát một số mặt hàng rau gia vị của Việt Nam Nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm gia vị Việt Nam |
Năm 2024 chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành xuất khẩu gia vị Việt Nam, đặc biệt là hồ tiêu. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những lo ngại về chất lượng sản phẩm khi số lượng cảnh báo của các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là châu Âu, tăng đáng kể.
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong năm 2024, châu Âu đã ghi nhận 77 trường hợp cảnh báo về hồ tiêu và gia vị nhập khẩu từ các thị trường, trong đó Việt Nam đứng đầu với 21 trường hợp, tăng gấp 7 lần so với năm 2023. Trong đó, ớt là sản phẩm bị cảnh báo nhiều nhất với 11 cảnh báo, quế có 7 cảnh báo, hồ tiêu có 1 cảnh báo vi khuẩn Samonella. Sau Việt Nam là Ấn Độ với 16 trường hợp, Indonesia là 8, Trung Quốc có 4…
Gia vị Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ ghi nhận 15 cảnh báo, trong đó, 6 trường hợp đối với quế (tăng 3 lần so với 2 trường hợp của năm 2023).
![]() |
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong năm 2024, châu Âu đã ghi nhận 77 trường hợp cảnh báo về hồ tiêu và gia vị nhập khẩu. Ảnh minh họa |
Sự gia tăng đột biến số lượng cảnh báo đối với gia vị Việt Nam đặt ra nhiều câu hỏi về chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng của các doanh nghiệp. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của ngành hàng gia vị Việt Nam trên thị trường quốc tế mà còn gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Mặc dù vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam trong năm 2024 vẫn đạt mức kỷ lục 1 tỷ 318,3 triệu USD, tăng 45,4% so với năm trước. Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và các quy định của thị trường nhập khẩu.
Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng cảnh báo chất lượng gia vị Việt Nam có thể do nhiều yếu tố, như kiểm soát chất lượng chưa chặt chẽ, một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng và thực hiện hệ thống quản lý chất lượng hiệu quả. Quá trình sản xuất chưa đủ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chưa nắm rõ các yêu cầu về chất lượng và quy định kỹ thuật của các thị trường.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong xuất khẩu, Việt Nam vẫn cần chú trọng cải thiện chất lượng và đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế để duy trì và mở rộng thị phần. Năm 2025, ngành gia vị kỳ vọng cải thiện chất lượng dịch vụ xuất nhập khẩu, giảm thiểu số lượng cảnh báo và tăng cường vị thế trên thị trường toàn cầu.
Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu được 10.433 tấn ớt, tăng 2,6%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 25,1 triệu USD; tăng mạnh 25,9% so với năm 2023. Trong khi đó, quế xuất khẩu được 99.874 tấn, tăng 11,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 274,5 triệu USD, tăng 5,2% so với năm 2023. Hơn 14.000 tấn hoa hồi được xuất khẩu năm ngoái - giảm 5,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 63,7 triệu USD - giảm 16, 2% so với năm 2023. Đối với hồ tiêu, Việt Nam đã xuất khẩu được 250.600 tấn hồ tiêu các loại. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ 318,3 triệu USD. So với năm 2023 lượng xuất khẩu giảm 5,1%, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại tăng mạnh 45,4%. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen năm 2024 đạt 5.154 USD/tấn, tăng 49,7% và tiêu trắng đạt 6.884 USD/tấn, tăng 38,9% so với năm ngoái. Về thị trường, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2024 với 72.311 tấn, chiếm 28,9% và tăng 33,2% so với năm 2023. Đây cũng là lượng xuất khẩu kỷ lục cao nhất từ trước tới nay, tăng 21,0% so với năm kỷ lục trước đó là 2021 đạt 59.778 tấn. Đứng sau Hoa Kỳ là các thị trường: UAE, Đức, Hà Lan, Ấn Độ. |
Đường dẫn bài viết: https://giaothuong.congthuong.vn/chau-au-canh-bao-ve-21-truong-hop-gia-vi-cua-viet-nam-370579.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Chuyên trang Cơ hội Giao thương - Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.