11:22 | 14/01/2025
Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong 11 tháng tăng 95,32 tỷ USD Sở Công Thương Hà Nội: Dấu ấn xuất nhập khẩu năm 2024 Xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam sang Hàn Quốc tăng trưởng |
Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước châu Á, châu Phi trong năm 2024 đạt con số ấn tượng 519,7 tỷ USD, tăng 13,7% so với năm trước đó và chiếm tới 66,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Điều này cho thấy sự phụ thuộc ngày càng lớn của nền kinh tế Việt Nam vào thị trường này.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang tất cả các thị trường trong khu vực đều tăng trưởng tích cực. Các thị trường chủ lực của Việt Nam tại châu Á, châu Phi cũng ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ.
![]() |
Khu vực châu Á - châu Phi tiếp tục khẳng định vị thế là đối tác thương mại quan trọng. Ảnh minh họa |
Cùng với đó, cấu trúc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng có những chuyển biến tích cực. Tỷ trọng xuất khẩu nguyên liệu thô giảm dần, nhường chỗ cho các sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao. Đặc biệt, nhóm hàng nông, thủy sản ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng lên tới 30,4%.
Việt Nam tiếp tục nhập siêu 123,9 tỷ USD từ khu vực châu Á, châu Phi trong năm 2024, tập trung vào nhóm mặt hàng tư liệu sản xuất như máy móc, xăng dầu, nguyên phụ liệu (hạt điều thô)... nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Theo Bộ Công Thương, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 520 tỷ USD, khu vực thị trường châu Á, châu Phi tiếp tục giữ vị trí chiến lược trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024 và nhiều năm tới.
Về xuất khẩu, năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu lượng hàng hóa sang các thị trường châu Á, châu Phi ước đạt trên 197 tỷ USD, tăng 8,4%; nhập nhẩu ước đạt 322 tỷ USD, tăng 17,2%; nhập siêu 125 tỷ USD, tăng 34,6% so với năm 2023.
Đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% vào năm 2025
Theo Bộ Công Thương, năm 2025, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ có nhiều thuận lợi và dư địa tăng trưởng nhờ vào sự hạ nhiệt của lạm phát toàn cầu và nhu cầu thị trường quốc tế đang phục hồi. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu khoảng 6% so với năm 2024.
Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Công Thương xác định thị trường châu Á - châu Phi, đặc biệt là thị trường Trung Quốc là trọng tâm. Trung Quốc từ lâu đã là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đã đạt được những thành công nhất định, điển hình như rau quả và thủy sản. Dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả đến cuối năm 2024 sẽ đạt 7 tỷ USD, vượt xa mục tiêu đề ra.
![]() |
Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc tại cửa khẩu Lào Cai. Ảnh: Ánh Ngọc |
Tuy nhiên, để thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam cần đối mặt với nhiều thách thức. Trung Quốc ngày càng siết chặt những quy định quản lý nhập khẩu hàng hóa và chủ trương tiến hành thương mại chất lượng cao; đồng thời không ngừng hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đăng ký doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đăng ký và kiểm tra vùng trồng, cơ sở đóng gói...
Do vậy, để xuất khẩu được hàng hóa vào thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp phải tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng Trung Quốc quy định. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo doanh nghiệp phải dần loại bỏ phương thức bán hàng tiểu ngạch, nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu bằng con đường chính ngạch.
Việt Nam và Trung Quốc có nhiều hiệp định song phương được ký kết trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là về thương mại như: Hiệp định Thương mại biên giới Việt - Trung, Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam và Trung Quốc; Hiệp định Việt Nam - Trung Quốc về đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và công nhận lẫn nhau…
Ngoài ra, hai nước còn có mối quan hệ thương mại đa phương tại Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA). Bên cạnh các yêu cầu và cam kết về chất lượng, xuất xứ… của sản phẩm, các hiệp định thương mại còn là cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia xuất khẩu chính ngạch thúc đẩy phát triển sản phẩm, thị trường, gia tăng giá trị hàng hóa.
Đóng góp vào thành quả kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá Việt Nam năm 2024 đạt mức kỷ lục 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2023, khu vực thị trường châu Á - châu Phi cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng hơn 30%. Năm 2025 châu Á - châu Phi tiếp tục được kỳ vọng là thị trường xuất, nhập khẩu trọng điểm. |
Đường dẫn bài viết: https://giaothuong.congthuong.vn/chau-a-chau-phi-thi-truong-xuat-nhap-khau-chien-luoc-369463.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Chuyên trang Cơ hội Giao thương - Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.