11:58 | 13/01/2025
Nhập khẩu thủy sản trong 11 tháng năm 2024 giảm 1,61% Cơ hội xuất khẩu thủy sản đạt 11 tỷ USD năm 2025 Tôm là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản |
Nhiều cơ hội thị trường
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, năm 2024 là năm khá thành công của ngành, thủy sản đã quay trở lại đường đua xuất khẩu với 10 tỷ USD. Kết quả này đạt được nhờ nỗ lực rất cao của các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân.
Thuỷ sản cũng đã hội nhập khá sớm, hiện đang xuất khẩu đến 170 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
![]() |
Ông Nguyễn Hoài Nam- Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam. Ảnh: Thanh Loa |
Cũng theo đại diện VASEP, với điều kiện kinh tế toàn cầu phục hồi, nhu cầu tăng mạnh tại các thị trường lớn và chiến lược tập trung vào sản phẩm giá trị gia tăng, ngành thủy sản Việt Nam có khả năng đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 11 tỷ USD trong năm 2025. Trong đó, ngành tôm dự kiến tiếp tục dẫn đầu với kim ngạch có thể vượt 4 tỷ USD, nhờ vào sự cải tiến công nghệ nuôi trồng và chiến lược mở rộng thị trường mới.
Riêng với thị trường khu vực Trung Đông, theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2025 Bộ này sẽ tích cực phối hợp với đơn vị chức năng trong giám sát dịch bệnh để Ả rập Xê út sớm mở cửa trở lại cho tôm và cá nuôi của Việt Nam. Đồng thời, tích cực đàm phán và cố gắng khai thác tốt hơn tại thị trường Trung Quốc.
Về dài hạn, phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản. Tiếp tục thực hiện mục tiêu "Chuyển đổi từ tư duy sản xuất thủy sản sang tư duy kinh tế thủy sản" và "chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị".
Để đạt mục tiêu này, đồng thời tạo điều kiện cho ngành mở rộng hơn nữa thị phần trong những năm tới, ông Nguyễn Hoài Nam đề xuất một số kiến nghị.
Theo đó, ngành thủy sản mong muốn được tiếp tục được đồng hành với Bộ Ngoại giao thực hiện các chương trình ngoại giao kinh tế trong những năm tiếp theo. Đồng thời mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ đồng hành của Đại sứ, Thương vụ Việt Nam tại 5 thị trường lớn ngành đang triển khai các hoạt động về mở rộng và duy trì thị trường, gồm: Hoa Kỳ, châu Âu và Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc và Singapore.
Đề xuất cụ thể
Ông Nguyễn Hoài Nam cũng thông tin, kết quả chống trợ cấp đối với tôm nước ấm Hoa Kỳ tiến hành điều tra đối với 4 quốc gia, Indonesia có cái kết quả cao hơn Việt Nam. Do đó, có khả năng Indonesia sẽ điều chỉnh tăng thị phần tại Nhật Bản để hay thế cho phần giảm tại thị trường Hoa Kỳ.
![]() |
Doanh nghiệp thủy sản đang gặp một số vướng mắc trong mở rộng thị phần. Ảnh minh họa |
“Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương và các cơ quan đại diện nước ngoài tại Nhật Bản hỗ trợ hiệp hội đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quản bá sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh, giữ vững thị phần mặt hàng tôm của Việt Nam với giá trị gia tăng cao đang có tại thị trường này”, ông Nguyễn Hoài Nam đề nghị.
Với Hàn Quốc, đại diện VASEP cho biết, thị trường này đang cấp cho Việt Nam hạn ngạch 15.000 tấn tôm nước ấm được hưởng thuế suất 0%, ngoài sản lượng này phải đấu thầu với mức thuế cao. “Hiện nay doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu gấp 4-5 lần sản lượng theo hạn ngạch quy định trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Hàn Quốc”, ông Nguyễn Hoài Nam cho hay.
Ông cũng đồng thời bày tỏ, các cơ quan chức năng đàm phán để xóa bỏ hạn ngạch nhằm giúp ngành thủy sản giữ vững đồng thời mở rộng thị phần xuất khẩu mặt hàng tôm nói riêng, mặt hàng thủy sản nói chung sang Hàn Quốc.
Ở khu vực ASEAN, thế mạnh về nông sản đang đước các nước thúc đẩy phát triển, trong đó thủy sản giữ một vai trò quan trọng, đại diện cho các doanh nghiệp trong ngành, VASEP đề nghị tổ chức ngày thủy sản Việt Nam tại ASEAN với tên “Việt Nam Seafood”. Mô hình này đã được Thái Lan, Hàn Quốc tổ chức rất thành công. “Chúng tôi mong muốn các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng như các cơ quan chức năng trong nước phối hợp và hỗ trợ hiệp hội tổ chức hoạt động này”, ông Nguyễn Hoài Nam nói.
Tại khu vực Trung Đông với sản phẩm Halal hiện đang được các cơ quan chức năng quan tâm, đẩy mạnh các hoạt động mở rộng thị trường, doanh nghiệp thủy sản có nguyện vọng đồng hành, tuy nhiên phải có hoạt động cụ thể. “Chúng tôi đã báo cáo với Bộ Ngoại giao thông qua chương trình ngoại giao kinh tế đề xuất tổ chức 2 sự kiện có thể là kết nối B2B hoặc hội chợ triển lãm ở khu vực Trung Đông tại Dubai và Ả rập Xê út nhằm tìm hiểu và thâm nhập thị trường tiềm năng này”, đại diện VASEP cho biết.
Tăng trưởng của ngành thủy sản còn nhiều dư địa không chỉ trong năm 2025 mà nhiều năm tới. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng đối với những đối tượng đã có lợi thế như tôm, cá tra, nhuyễn thể..., cần nâng cao năng suất, giải quyết các vấn đề về kháng sinh, dịch bệnh, siết chặt chất lượng tôm giống, thức ăn, dinh dưỡng… để đảm bảo bền vững. Đẩy mạnh phát triển các đối tượng nuôi mới tiềm năng như rong biển, lươn, cá rô phi… |
Đường dẫn bài viết: https://giaothuong.congthuong.vn/go-vuong-cho-thuy-san-mo-rong-thi-phan-369323.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Chuyên trang Cơ hội Giao thương - Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.